• Trang chủ
  • Thảm họa môi trường từ vụ nổ tên lửa mạnh nhất thế giới

    Thảm họa môi trường từ vụ nổ tên lửa mạnh nhất thế giới

    0
    120

    Vụ phóng Starship đã gây thiệt hại ngoài dự tính đối với bệ phóng, và để lại hậu quả về môi trường cho những cư dân trong khu vực lân cận.

    Tuần trước, SpaceX đã trở thành tâm điểm chú ý khi phóng tên lửa mạnh nhất thế giới, Starship. Tên lửa cao 120 m phóng lên độ cao 40 km sau đó mất kiểm soát và phát nổ, để lại thiệt hại vượt xa dự tính với bệ phóng tại sân bay vũ trụ Starbase của SpaceX ở Boca Chica, Texas (Mỹ).

    Ngoài việc bệ phóng bị hư hại, cư dân khu vực lân cận đã phàn nàn về thiệt hại môi trường. Starship hiện chưa được phép bay trở lại cho đến khi Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) điều tra về vụ việc.

    Thiệt hại đối với bệ phóng là “thảm họa”, theo Phil Metzger, nhà khoa học hành tinh tại Đại học Central Florida, chuyên gia nghiên cứu về bệ phóng cho NASA. Hình ảnh cho thấy các cấu trúc bị cháy đen, mất nhiều khối bê tông và xuất hiện một lỗ trông như miệng núi lửa trên mặt đất.

    Thảm họa môi trường từ vụ nổ tên lửa mạnh nhất thế giới

    Thiệt hại trên bệ phóng vượt xa dự kiến của các kỹ sư SpaceX. Ảnh: LabPadre.

    Chính những thiệt hại này đã tạo ra một đám mây bụi và mảnh vụn lớn phát tán ra khu vực xung quanh. Bụi và mảnh vụn cũng có thể là nguyên nhân làm hỏng 8 trong số 33 động cơ tên lửa.

    Tính toán sai lầm của SpaceX

    “Vật liệu bê tông tạo nên tấm đệm, được gọi là Fondag, bị nứt do sức nóng và lực của động cơ tên lửa. Khí từ động cơ đi vào các vết nứt và làm chúng bị nứt thêm, làm xói mòn vật liệu bệ phóng", Metzger nói với The Verge.

    Không ai bị thương trong quá trình phóng và FAA chưa ghi nhận báo cáo nào về thiệt hại tài sản. Dù vậy, do bệ phóng vỡ, đất bên dưới cũng bị xói mòn, tạo ra một lượng lớn bụi lan ra hàng cây số từ địa điểm phóng. Loại bụi này có thể gây hại cho sức khỏe con người và môi trường địa phương.

    Trước vụ phóng, SpaceX đã cân nhắc sử dụng một tấm thép được làm mát bằng nước để truyền nhiệt đều ra bệ phóng, để bê tông không bị xói mòn, Elon Musk, Giám đốc điều hành của SpaceX, cho biết.

    Thảm họa môi trường từ vụ nổ tên lửa mạnh nhất thế giới

    Khói bụi và mảnh vỡ từ bệ thóng thải ra khu vực lân cận ngày 20/4. Ảnh: Reuters.

    Tuy nhiên, tấm thép chưa sẵn sàng, và SpaceX vẫn tiếp tục vụ phóng. Các kỹ sư của công ty tính toán rằng tấm đệm bê tông chịu được ít nhất một lần phóng. Tính toán sai lầm này của SpaceX bị chỉ trích, một số ý kiến cho rằng Starship đã bị ép phải cất cánh trước khi bệ phóng sẵn sàng.

    Theo Musk, công ty sẽ lắp đặt một tấm thép tại bệ phóng trước lần phóng tiếp theo trong vòng 1-2 tháng tới. Tuy nhiên, Starship có thể phải chờ lâu hơn so với ước tính lạc quan của Musk, vì không được bay cho đến khi FAA hoàn thành cuộc điều tra về sự cố liên quan đến vụ phóng.

    Starship chỉ có thể phóng lần tiếp theo sau khi FAA xác định rằng bất kỳ hệ thống, quy trình hoặc thủ tục nào liên quan đến sự cố trong vụ phóng vừa qua không ảnh hưởng đến an toàn công cộng, theo tuyên bố từ cơ quan.

    Hàng loạt thiệt hại từ bệ phóng

    Không chỉ gây ra những lo ngại về an toàn, hư hại đối với bệ phóng còn có thể là nguyên nhân làm hỏng tên lửa. Khoảng 5-8 trong số 33 động cơ Raptor không hoạt động trong quá trình tên lửa đi lên. Có khả năng là vật liệu phát ra bệ phóng đã làm hỏng một số động cơ.

    Thảm họa môi trường từ vụ nổ tên lửa mạnh nhất thế giới

    Động cơ đẩy Super Heavy của Starship có 33 động cơ Raptor, nhưng một số lượng lớn đã ngừng hoạt động khi phóng, đến nay chưa rõ nguyên nhân. Ảnh: SpaceX.

    “Nếu một mảnh vỡ nào đó va vào vòi phun, nó có thể gây ra tổn thất nghiêm trọng cho toàn bộ động cơ. Đây là bộ phận nhạy cảm nhất của tên lửa”, Metzger nói, lưu ý rằng đến nay công ty vẫn chưa xác nhận được nguyên nhân chính xác.

    Một động cơ bị nổ có thể dẫn đến phản ứng dây chuyền khiến các động cơ gần đó phát nổ theo. May mắn là Starship đã bay lên không trung thay vì phát nổ ngay khi cất cánh và gây thiệt hại lớn trên mặt đất.

    Ngay cả như vậy, vụ phóng vẫn ảnh hưởng đến khu vực xung quanh. Cư dân ở thị trấn Port Isabel gần đó đã phàn nàn về các cửa sổ bị vỡ và các tòa nhà bị rung chuyển cũng như mưa bụi trút xuống thị trấn.

    Ngoài tác động đối với con người, CNBC cho biết các chuyên gia môi trường lo ngại về tác động của cả mảnh vỡ và tiếng ồn do vụ phóng đối với quần thể động vật hoang dã địa phương.

    “Nếu họ muốn cho nổ tên lửa thì đó là việc của họ, miễn là không làm tổn thương bất cứ ai hoặc làm tổn hại đến môi trường", Metzger nói.

    Nguồn Zingnews

    Viết bình luận

    Chú ý: Không sử dụng các mã lệnh HTML!