• Trang chủ
  • Metro số 1 có nguy cơ lại lùi tiến độ

    Metro số 1 có nguy cơ lại lùi tiến độ

    0
    45

    Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dự kiến thi công xong trong tháng 4, hoàn tất đào tạo nhân viên vận hành tháng 7, chạy thương mại trong quý IV năm nay. Nhưng kế hoạch này đang đứng trước nguy cơ “phá sản”, khi Metro số 1 hiện có 4 vướng mắc liên quan đến những mâu thuẫn giữa nhà thầu và tư vấn.

     

    Metro số 1 có nguy cơ lại lùi tiến độ
    Metro số 1 gần về đích nhưng gặp hàng loạt rắc rối liên quan đến nhà thầu Nhật Bản. Ảnh: Anh Tú

    Mâu thuẫn giữa nhà thầu và tư vấn

    Theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM (MAUR - chủ đầu tư), để thúc đẩy công tác đào tạo của dự án, cần sử dụng các thiết bị, điện, hạ tầng của nhà thầu CP2 (đoạn trên cao và Depot - nhà thầu SCC) trong khu vực Depot. Nguyên tắc là bên nào sử dụng thiết bị sẽ chi trả tiền điện cho phần dùng của mình, bên sử dụng thiết bị của bên khác có trách nhiệm bảo dưỡng và đền bù khi gây ra hư hỏng.

    Dù nhà thầu Hitachi (gói thầu CP3 - mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng) và SCC đã thảo luận để đạt được các thỏa thuận về sử dụng hạ tầng và thiết bị, nhưng Tư vấn chung (NJPT) cho biết, sẽ không tham gia các thỏa thuận liên quan đến việc này. NJPT lập luận rằng, chỉ có vai trò cung cấp nhân sự đào tạo và sẽ không chịu bất cứ chi phí nào liên quan đến việc sử dụng hạ tầng, thiết bị.

    Để đẩy nhanh tiến độ đào tạo của dự án, MAUR đã và đang thực hiện các giải pháp nhận bàn giao trước 2 đoàn tàu, phòng đào tạo AFC (hệ thống thu phí tự động), phòng mô phỏng lái tàu để giao cho NJPT thực hiện công tác đào tạo nhân sự. Tuy nhiên, nhà thầu Hitachi vẫn đưa ra các yêu cầu về mặt thương mại và các nội dung kỹ thuật làm ảnh hưởng đến việc thực hiện giải pháp này.

    Vướng mắc thứ 2 là công tác phối hợp trong giai đoạn thử nghiệm, nghiệm thu, kiểm tra nghiệm thu PCCC, chạy thử tàu giữa nhà thầu Hitachi và các nhà thầu còn lại chưa chặt chẽ. Các vướng mắc xoay quanh giao diện và chi phí giữa các nhà thầu với nhau, với Tư vấn NJPT cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.

    Vướng mắc thứ 3 về tiến độ thực hiện dự án và gói thầu CP3, nhà thầu Hitachi cho biết, sẽ không thực hiện bất kỳ công việc nào để hỗ trợ công tác đào tạo vận hành của NJPT trước khi Hitachi hoàn thành công việc vào tháng 7.

    Ngoài ra, nhà thầu này trước đó khẳng định sẽ hoàn thành công tác ITC (công nghệ dùng trong quản lý và vận hành metro) vào cuối tháng 5.2024, nhưng gần đây lại cho hay, tiến độ ITC có thể bị đẩy lùi đến cuối tháng 7. Điều này ảnh hưởng đến mọi nỗ lực hoàn thành, khai thác thương mại Metro số 1 trong quý IV.

    Vướng mắc thứ 4 là về hợp đồng dịch vụ bảo dưỡng 5 năm, trong các cuộc họp và qua các văn bản trao đổi về hợp đồng bảo dưỡng, nhà thầu Hitachi vẫn bảo lưu quan điểm về hợp đồng bảo dưỡng này là một hợp đồng độc lập. Hitachi đề xuất mức giá cao hơn gấp 3,5 lần so với giá cơ sở trong hợp đồng gốc.

    Đề xuất Đại sứ quán Nhật Bản vào cuộc

    Theo MAUR, Metro số 1 là một trong các dự án metro đầu tiên ở Việt Nam, phía Việt Nam hầu như chưa có kinh nghiệm trong việc triển khai dự án. Do đó, việc các nhà thầu và tư vấn Nhật Bản liên tục lạm dụng các điểm vênh, chưa hoàn thiện trong hợp đồng để làm ảnh hưởng tiến độ dự án Metro số 1 là thái độ thực hiện dự án chưa đúng đắn, nhất là trong bối cảnh cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án.

    Ông Nguyễn Quốc Hiển - Phó Trưởng ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM - cho biết, sắp tới UBND TPHCM sẽ có cuộc làm việc lần 2 với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam nhằm tháo gỡ các vướng mắc của một số dự án hợp tác kinh tế Nhật Bản. Các vướng mắc của dự án Metro số 1 đã được gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để phục vụ buổi làm việc này.

    MAUR đề xuất kiến nghị Đại sứ quán Nhật Bản có ý kiến với nhà thầu Hitachi nhanh chóng phối hợp với các bên liên quan để bàn giao sớm 2 đoàn tàu, phối hợp với các nhà thầu khác đẩy nhanh tiến độ kiểm tra và nghiệm thu PCCC.

    MAUR cũng đề xuất kiến nghị Đại sứ quán Nhật Bản trao đổi, làm việc với Tư vấn NJPT và nhà thầu Hitachi để hai bên đẩy nhanh tiến độ và hoàn tất các hoạt động thử nghiệm.

    Liên quan đến hợp đồng bảo dưỡng 5 năm, MAUR kiến nghị Đại sứ quán Nhật Bản, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA) làm việc với lãnh đạo cấp cao của tập đoàn Hitachi để họ hiểu được tầm quan trọng của Metro số 1.

    Trong trường hợp Tư vấn NJPT và nhà thầu Hitachi không thể đạt được thỏa thuận chung về vấn đề này, MAUR đề xuất cân nhắc việc lựa chọn 1 đơn vị đủ năng lực (không phải Hitachi) để thực hiện bảo dưỡng.

    Nguồn: Báo Lao Động

    Viết bình luận

    Chú ý: Không sử dụng các mã lệnh HTML!