• Trang chủ
  • 8 cách tự bảo vệ trước nguy cơ lừa đảo, đánh cắp tài khoản

    8 cách tự bảo vệ trước nguy cơ lừa đảo, đánh cắp tài khoản

    0
    76

    Trong bối cảnh, các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng ngày càng tinh vi, Google mới đây đã đưa các mẹo giúp người dùng hạn chế rủi ro.

    Theo Gadgetmatch, năm 2023, các tìm kiếm về "gian lận" trên Google đạt mức cao nhất trong 13 năm qua. Trong khi đó, tìm kiếm về "lừa đảo" tăng 40% so với năm 2022. Xu hướng tìm kiếm từ khóa này cho thấy người dùng mạng đang ngày càng quan tâm đến các biện pháp an toàn trên internet.

    Trước những nguy cơ trên không gian mạng, Google đã đưa ra 8 lời khuyên giúp người dùng nâng cao an toàn thông tin. 

    1. Cài đặt hệ điều hành và cập nhật mới nhất

    Bật tính năng cập nhật tự động trên thiết bị và trình duyệt web. Bởi, cập nhật phần mềm thường xuyên là rất quan trọng để vá các lỗ hổng bảo mật và bảo vệ khỏi các mối đe dọa mới.

    Người dùng thiết bị Android nên thường xuyên bật ứng dụng Google Play Protect để tăng khả năng báo vệ trước các ứng dụng độc hại. Đồng thời, Google khuyên người dùng đừng bỏ qua các cảnh báo hoặc thông báo.

    2. Sử dụng trình quản lý mật khẩu

    Trình quản lý mật khẩu của Google là một công cụ miễn phí, tích hợp sẵn giúp người dùng tạo, lưu trữ và quản lý mật khẩu mạnh cho tất cả tài khoản.

    Ngoài sự tiện lợi, dịch vụ này còn phân tích các mật khẩu đã lưu để xem chúng có yếu hoặc đã bị rò rỉ trong các vụ tấn công dữ liệu hay không.

    3. Bảo vệ tài khoản bằng khóa bảo mật

    Ngoài mật khẩu, các khóa bảo mật như vân tay hoặc Face ID sẽ cung cấp thêm một lớp bảo mật. Chúng có thể giúp tài khoản của người dùng an toàn trước lừa đảo giả mạo. 

    8 cách tự bảo vệ trước nguy cơ lừa đảo, đánh cắp tài khoản- Ảnh 1.

    Ảnh minh họa

    4. Kiểm tra bảo mật định kỳ

    Kiểm tra bảo mật của Google là một công cụ đơn giản trong Tài khoản Google của người dùng, giúp xem xét và cải thiện tính bảo mật trực tuyến.

    Công cụ này giúp người dùng xác định và khắc phục các lỗ hổng tiềm ẩn trên các tài sản kỹ thuật số từ các thiết bị và ứng dụng của bên thứ ba.

    5. Xem lại cài đặt dữ liệu

    Người dùng hãy kiểm tra lại và chắc chắn rằng không chia sẻ bất kỳ dữ liệu nào, đặc biệt là thông tin nhạy cảm. Đồng thời xem qua từng ứng dụng và trang web để xem bạn có đồng ý với các điều khoản, điều kiện và cài đặt của họ không.

    6. Tránh các liên kết đáng ngờ

    Hãy suy nghĩ kỹ trước khi nhấp vào bất kỳ liên kết nào trên web hoặc tin nhắn SMS. Đây thường là những liên kết có thể đánh cắp thông tin nhạy cảm.

    Nếu liên kết không hợp pháp, hãy báo cáo ngay lập tức và chặn nguồn.

    7. Giữ vững tâm lý

    Lừa đảo và gian lận cho dù trực tuyến, qua điện thoại hay trực tiếp, đều dựa vào việc gây áp lực cho người dùng khiến họ lo lắng và sơ hở.

    Khi người dùng bị hối thúc đưa ra quyết định và cảm thấy bất thường, hãy dừng lại một chút, suy nghĩ và đánh giá tình hình.

    8. Kiểm tra thông tin

    Trước khi đăng bài hoặc chia sẻ, hãy xác minh thông tin trước. Sử dụng Google Search để kiểm tra xem thông tin đó có từ một nguồn đáng tin cậy không.

    Nguồn Người lao động

    Viết bình luận

    Chú ý: Không sử dụng các mã lệnh HTML!