• Trang chủ
  • Mỹ sẽ gia hạn thêm một năm các điều kiện miễn trừ xuất khẩu chip sang Trung Quốc

    Mỹ sẽ gia hạn thêm một năm các điều kiện miễn trừ xuất khẩu chip sang Trung Quốc

    0
    98

    Mỹ đã quyết định gia hạn thêm một năm 'lệnh miễn trừ' cho phép các hãng chip Hàn Quốc và Đài Loan xuất khẩu thiết bị và công nghệ chip tiên tiến sang Trung Quốc – Nikkei Asia dẫn các nguồn thạo tin.

    Mỹ sẽ gia hạn thêm một năm các điều kiện miễn trừ xuất khẩu chip sang Trung Quốc

    Khoảng 40% công suất sản xuất chất bán dẫn DRAM của hãng chip SK Hynix là từ các cơ xưởng tại Trung Quốc. Hãng chip Hàn Quốc này nằm trong số những công ty được Mỹ cho phép tiếp tục xuất khẩu công nghệ bán dẫn sang Trung Quốc. Ảnh: Reuters

    Tuy vậy, các nhà phân tích nói rằng động thái này được xem là có khả năng làm suy yếu nỗ lực của Mỹ trong việc kiềm chế tham vọng trong lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc. Nhưng động thái này cũng được kỳ vọng sẽ ngăn chặn đà suy giảm đang gia tăng của chuỗi cung ứng chip toàn cầu.

    Gia hạn từng năm và miễn trừ vô thời hạn?

    Alan Estevez, Thứ trưởng Thương mại công nghiệp và an ninh Mỹ, đã đề cập đến khả năng gia hạn “lệnh cấm” tại một sự kiện hồi tháng 6. Thời hạn gia hạn vẫn chưa được quyết định. Nhưng một đề xuất của chính phủ Mỹ có đề cập “miễn trừ vô thời hạn”.

    Tháng 10-2022, Mỹ đã áp đặt các hạn chế sâu rộng đối với việc xuất khẩu chip, công nghệ và thiết bị sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc. Washington cũng cấm công dân Mỹ tham gia phát triển hoặc sản xuất chip tại các cơ sở của Trung Quốc nếu không có được phép của chính phủ.

    Samsung Electronics, SK Hynix và TSMC… đều có các cơ sở sản xuất lớn ở Trung Quốc. Các hãng này đã vận động gỡ bỏ các hạn chế bởi lệnh cấm giáng một đòn mạnh vào hoạt động kinh doanh và sản xuất chip. Mỹ đã cấp quyền miễn trừ một năm cho phép các hãng chip tiếp tục các giao dịch tương tự như những giao dịch mà họ đã tham gia trước khi có lệnh cấm.

    Washington có kế hoạch gia hạn lệnh miễn trừ sẽ hết hạn vào tháng 10 tới. Điều này sẽ cho phép các hãng Hàn Quốc và Đài Loan đưa thiết bị sản xuất chip của Mỹ và các nguồn cung cấp quan trọng khác đến các nhà máy của họ ở Trung Quốc, giúp hoạt động sản xuất được liên tục, không bị gián đoạn.

    Washington đang cân nhắc các lợi ích kinh tế

    Doanh số thị trường bán dẫn toàn cầu đạt khoảng 570 tỉ đô la vào năm 2022, với khoảng 1/3 đến từ Trung Quốc, trung tâm sản xuất iPhone và các thiết bị công nghệ khác. Trung Quốc cũng vượt qua Nhật Bản về năng lực sản xuất chip vào năm 2021, trở thành cường quốc lớn thứ ba trong ngành công nghệ chip sau Hàn Quốc và Đài Loan.

    Các nhà sản xuất chip của Hàn Quốc có mối quan hệ đặc biệt chặt chẽ với Trung Quốc. Khoảng 40% năng lực sản xuất DRAM của SK Hynix đặt tại Trung Quốc. Tức là nguồn cung cấp máy tính và các thiết bị điện tử khác trên toàn cầu có thể bị gián đoạn lớn nếu không được miễn trừ xuất khẩu.

    Các vấn đề về chuỗi cung ứng do Covid-19 gây ra đã giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế toàn cầu. Với tình trạng phức tạp của hệ sinh thái chip toàn cầu, các hãng chip sẽ gặp khó khăn trong việc rút chuỗi cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc một cách nhanh chóng.

    Hạn chế xuất khẩu đối với thiết bị được sử dụng trong sản xuất chip công nghệ tiên tiến nhất có thể là tác nhân chính đáng và hiệu quả nhất để gia hạn các điều kiện miễn trừ. Nhật Bản và Hà Lan cũng đã đồng ý áp đặt các hạn chế tương tự đối với việc xuất khẩu các thiết bị chip sang Trung Quốc.

    Kevin Wolf, cựu trợ lý bộ trưởng thương mại phụ trách quản lý xuất khẩu Mỹ, cho rằng: “Tác động kèm theo của các biện pháp kiểm soát xuất khẩu từ Mỹ và cuối cùng là các biện pháp tương tự của Nhật Bản và Hà Lan sẽ ngăn cản các hãng chip Trung Quốc và các hãng nước ngoài có cơ sở tại nước này sản xuất được các con chip cốt lõi có công nghệ cao”.

    Chính quyền Biden có kế hoạch chỉ thực thi các hạn chế xuất khẩu đối với các sản phẩm công nghệ cao và có tính đột phá có thế giúp Trung Quốc phát triển các thiết bị quân sự tiên tiến. Washington không muốn làm gián đoạn hoạt động kinh tế và điều này chỉ diễn ra khi Mỹ cho phép buôn bán các con chip có công nghệ thấp hơn.

    Một cựu quan chức cấp cao của Mỹ nói rằng Washington đang không chắc chắn tình trạng gián đoạn của chuỗi cung ứng chip toàn cầu sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nước Mỹ, đặc biệt là khi cuộc đua bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào năm 2024.

    Lạm phát ở Mỹ vẫn ở mức cao dù đã hạ nhiệt từ điểm đỉnh. Sự ổn định kinh tế được xem là ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch tái tranh cử của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

    Duy trì kênh đối thoại để giảm đối đầu

    Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo sẽ thăm Trung Quốc trong bốn ngày (từ 27 đến 30-8) và sẽ hội đàm với Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào. Chuyến đi nhằm thiết lập kênh đối thoại nhằm ngăn chặn đối đầu Mỹ – Trung trong công nghệ ngày càng leo thang.

    Hiện các hãng chip đang hoạt động tại Trung Quốc đang “rất thất vọng” về những tác động của lệnh cấm xuất khẩu thiết bị, công nghệ và các loại chip tiên tiến của Washington.

    “Các bước lặp đi lặp lại nhằm áp đặt một lệnh cấm quá rộng, mơ hồ và đôi khi đơn phương có nguy cơ làm giảm khả năng cạnh tranh của ngành bán dẫn Mỹ, làm gián đoạn chuỗi cung ứng, gây ra tình trạng bất ổn diện rộng trên thị trường toàn cầu, khiến Trung Quốc tức giận và đưa ra các biện pháp trả đũa tương ứng ngày càng cứng rắn hơn”, Hiệp hội công nghệ chất bán dẫn (SIA) đặt trụ sở tại Mỹ đưa ra tuyên bố như vậy hồi tháng 7-2023.

    Trong khi đó, các hãng chip Trung Quốc đã kêu gọi Bắc Kinh có chính sách hỗ trợ lớn hơn trong bối cảnh Mỹ ngày càng siết chặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu. Các hãng Trung Quốc cũng kêu gọi Bắc Kinh và Washington “tăng cường liên lạc để tránh khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn”, theo tờ Caixin của Trung Quốc.

    Cuối tháng 7-2023, Bộ Thương mại Trung Quốc đã họp với các hãng chip lớn của nước này để thảo luận về tác động của các biện pháp hạn chế do Mỹ và các đồng minh áp đặt

    Nguồn Sài gòn Times

    Viết bình luận

    Chú ý: Không sử dụng các mã lệnh HTML!