• Trang chủ
  • Người dân thành phố Tam Kỳ khổ sở vì ngập lụt

    Người dân thành phố Tam Kỳ khổ sở vì ngập lụt

    0
    249

    Không phải vùng rốn lũ, nhưng mấy năm gần đây TP Tam Kỳ thường xuyên ngập lụt, cuộc sống của hàng nghìn hộ dân bị đảo lộn.

    Sống ở khối phố Mỹ Thạch Bắc, phường Tân Thạnh, đến nay là đời thứ ba, ông Phạm Hò, 59 tuổi, đã trải qua nhiều trận lũ lụt. Trận lụt lịch sử tháng 11/1999, tổng lượng mưa một tuần ở Tam Kỳ lên 990 mm, nhà ông Hò ngập 50 cm. Trời tạnh, một ngày sau nước rút. Đến ngày 8-11/12/2018, TP Tam Kỳ mưa 910 mm, nhưng nhà ông ngập gần một mét, sau 4 ngày nước mới rút hết.

    Gần đây nhất ngày 21-24/10, TP Tam Kỳ mưa gần 700 mm, thấp hơn hẳn hai đợt trước, song nhà ông Hò ngập 0,4 m và ngâm nước 3 ngày. Khoảng 3.200 nhà dân thành phố cũng bị ngập 0,2-1,5 m. Nội thị biến thành sông, giao thông đình trệ, người dân chỉ có thể di chuyển bằng thuyền hoặc lội nước.

    Khu phố Mỹ Thạch Bắc, phường Tân Thạnh bị nước bủa vây sau mỗi trận mưa lớn. Ảnh: Đắc Thành

    Khối phố Mỹ Thạch Bắc thường xuyên ngập khoảng 10 năm nay. Ông Hò kể, năm 2005 chính quyền thực hiện dự án khu phố mới Tân Thạnh - khu đô thị đẹp bậc nhất Tam Kỳ. Sau 4 năm, khu phố mới đổ đất cao hơn khu dân cư nơi ông sống hơn nửa mét. Mỗi trận mưa, nước từ các nơi cao đổ về, nhưng chỉ có một lối thoát ra cống hộp rộng 50 cm nên tốc độ thoát chậm.

    "Gia đình tôi đã quá ngán ngẩm với cảnh dọn đồ đạc mỗi mùa mưa lụt. Nước lũ vào nhà mất vệ sinh, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh", ông Hò nói. Sau khi nâng nền nhà lên 0,3 m mà vẫn ngập, ông phải cải tạo căn phòng trong ngôi nhà cấp bốn thành gác lửng để mỗi lúc ngập thì lên đây trú tránh, chấp nhập sống chung với lũ, khác hẳn với thế hệ cha ông.

    Ngoài khu nhà của ông Hò, trong nội thị Tam Kỳ có khoảng 10 khu dân cư với hàng nghìn hộ dân rơi vào cảnh tương tự. Họ bị các khu đô thị lân cận đổ nền cao hơn, trở nên lọt thỏm. Mỗi khi mưa to, nước không thoát kịp gây ngập úng.

    Anh Nguyễn Hữu Danh, ở khối phố Mỹ Thạch Bắc, cho tủ lạnh lên cao khi nhà bị ngập hơn nửa mét đầu tháng 12/2018. Ảnh: Đắc Thành

    Cuộc sống của khoảng 400 hộ dân thôn Xuân Quý, xã Tam Thăng - vùng ngoại ô nằm bên sông Bàn Thạch, cũng bị đảo lộn mỗi mùa mưa lũ. Ông Mai Tấn Cảm, 46 tuổi, kể bố mẹ đã chọn mua mảnh đất cao nhất nằm giữa thôn dựng nhà cho vợ chồng ông. Hơn 40 năm sinh sống, nhà ông chỉ một lần ngập khoảng 0,2 m trong đợt lụt lịch sử tháng 11/1999, nước sau đó rút rất nhanh.

    Năm 2017, tuyến đê Bàn Thạch dài gần 10 km, cao 5 m do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ nhằm ngăn triều, ngăn nước lũ tràn vào nội thị hoàn thành. Con đê đã chỉnh dòng chảy thoát lũ, đẩy hết qua thôn Xuân Quý. Mỗi năm, gia đình ông Cảm hứng chịu ít nhất 4 đợt lụt. Căn nhà cấp bốn nền cao bằng với đường bê tông trong thôn đã được nâng lên 0,2 m, song vẫn ngập khoảng 2 ngày.

    Cứ mưa lớn, người dân thôn Xuân Quý lại í ới giúp nhau dọn dẹp đồ đạc lên cao, đưa trẻ con, người già, vật nuôi đến nơi trú tránh. "Làng mạc bị ngập, phải di chuyển bằng ghe thuyền, điều mà trước đây hiếm khi xảy ra", ông Cảm nói. Năm 2020, ông dùng số tiền tích góp và vay mượn xây được căn nhà tầng một rộng 60 m2, tầng hai 40 m2 để trú khi lũ về.

    "Không chỉ gia đình tôi mà người dân trong thôn bắt đầu học cách sống chung với ngập lụt. Nhà cửa xây lên đều có gác lửng làm nơi trú tránh", ông Cảm nói.

    Ngôi nhà cấp bốn thường bị ngập, ông Mai Tấn Cảm xây nhà hai tầng để trú tránh. Ảnh: Đắc Thành

    Ngoài xã Tam Thăng, vùng thấp trũng xã Tam Phú, phường An Phú, Phước Hòa, Hòa Hương, An Sơn có hàng nghìn nhà dân thường xuyên ngập lụt. Trước đây mưa lớn, nước thoát ra sông, nhà dân chỉ bị ngập khi lũ ngoài sông dâng lên tràn vào. Còn bây giờ, mưa lớn một ngày là nước đã tràn vào nhà.

    Tại Quảng Nam, TP Tam Kỳ không nằm trong vùng rốn lũ như các huyện thị ở hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn. Thành phố nằm trên vùng đồng bằng độ dốc nhỏ, cao phía tây và thấp dần xuống phía đông giáp sông. Cao độ trung bình của khu vực ven sông và khu trung tâm 2-4 m.

    Lượng mưa trung bình mỗi năm ở Tam Kỳ khoảng 2.010 mm, năm lớn nhất 3.300 mm và năm nhỏ nhất 1.110 mm, tập trung từ tháng 9 đến 12. Theo đánh giá của chuyên gia khí tượng, lượng mưa này ở mức bình thường so với các địa phương khác ở miền Trung.

    Thành phố có sông Tam Kỳ - nơi hợp lưu của 10 sông suối, bắt nguồn từ các dãy núi phía tây huyện Núi Thành và Phú Ninh chảy về; có sông Bàn Thạch, Trường Giang. Năm 1986, hồ thủy lợi Phú Ninh dung tích 344 triệu m3 hoàn tất, nước ở thượng nguồn xuống sông Tam Kỳ được lưu lại hồ. Mỗi khi mưa lớn, hồ đầy nước xả xuống hạ du, cách thành phố khoảng 7 km.

    Với địa hình bằng phẳng, nhiều sông, Tam Kỳ có thể ngập, nhưng phạm vi hẹp và không kéo dài vì nước thoát nhanh ra sông. Điều này thể hiện trong kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Mội trường xây dựng). Theo đó Tam Kỳ chịu ảnh hưởng của quá trình nước biển dâng, dự báo mực nước biển dâng một mét, 3,9% diện tích thành phố nguy cơ ngập.

    Ông Bùi Ngọc Ảnh, Chủ tịch TP Tam Kỳ, thừa nhận từ năm 2018 đến nay ngập lụt trên địa bàn diễn biến phức tạp hơn so với trước đây. Gần như năm nào thành phố cũng ngập, mức độ đợt sau lớn hơn đợt trước. Các vùng thấp trũng ven sông ngập lụt là bình thường, song như xã Tam Thăng là bất thường. Chính quyền đang tìm nguyên nhân và các giải pháp khắc phục.

    Tam Kỳ vốn là thị xã của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Năm 1997, Quảng Nam và Đà Nẵng chia tách, thị xã Tam Kỳ là tỉnh lỵ Quảng Nam. Cuối năm 2005, thị xã được công nhận đô thị loại ba và năm 2006 lên thành phố. Đầu năm 2016, Tam Kỳ trở thành đô thị loại hai.

    Tháng 5/2021, Tỉnh ủy Quảng Nam ban hành nghị quyết xây dựng phát triển TP Tam Kỳ đến năm 2030 thành đô thị loại một. Đến nay, thành phố mới đạt 56 trên 59 tiêu chí đô thị loại hai và 47 tiêu chí đô thị loại một. Dân số thành phố hơn 145.000.

    Đắc Thành/vnexpress

    Viết bình luận

    Chú ý: Không sử dụng các mã lệnh HTML!