• Trang chủ
  • Tranh luận về Ann - ca sĩ ảo đầu tiên ở Việt Nam

    Tranh luận về Ann - ca sĩ ảo đầu tiên ở Việt Nam

    0
    236

    Theo nhà sáng lập, thần tượng âm nhạc ảo lý tưởng vì không lo dính bê bối đời tư. Trong khi Phương Thanh thắc mắc: "Ảo thì chia sẻ được gì? Ảo thì tất cả giá trị chỉ thuộc về ảo".

    Ngày 14/3, Ann - ca sĩ ảo đầu tiên tại Việt Nam debut với MV Làm sao nói thương anh. Đây là sự kết hợp của thuật toán AI cùng các âm thanh thật. Sự xuất hiện của ca sĩ ảo gây tranh luận với khán giả. Theo nhà sáng lập, nữ ca sĩ này có đặc trưng và màu giọng riêng biệt. Về thiết kế, cấu tạo cơ thể, anh và các cộng sự cũng cho cô một tạo hình "không lý tưởng" bởi không ai có một ngoại hình hoàn hảo.

    Không lo bê bối đời tư

    Đây không phải lần đầu Việt Nam áp dụng mô hình theo ngành công nghiệp giải trí của Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... Thực chất, mô hình ca sĩ ảo, thần tượng ảo đã phát triển tại các quốc gia trên từ nhiều năm. Tuy nhiên, đối với người Việt, ca sĩ ảo vẫn còn mới lạ.

    Nhà sáng lập cho biết, anh nhận ra những ưu điểm của các thần tượng ảo trong thế giới thực ngày nay nên quyết định theo đuổi mô hình này. Nếu các thần tượng thật đang có những mối lo về tuổi tác, ngoại hình sẽ thay đổi, già đi theo năm tháng thì với công nghệ, các ca sĩ ảo sẽ "trẻ mãi không già".

    Tranh luận về Ann - ca sĩ ảo đầu tiên ở Việt Nam

    Ann - ca sĩ ảo vừa được ra mắt.

    Ngoài ra, "cha đẻ" của Ann cho biết, việc quản thần tượng ảo lý tưởng bởi không phải lo dính bê bối đời tư. Ca sĩ ảo này được tạo ra theo cách đội ngũ sáng lập mong muốn. Cô không phải người thật nên không có những drama hay câu chuyện không mong muốn về vấn đề cá nhân.

    "Không chỉ Việt Nam mà ở các nước có nền công nghiệp giải trí mạnh, việc duy trì phong độ của các bạn nghệ sĩ cũng rất khó khăn. Nó ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như tuổi tác, sức khỏe, tài chính. Mối quan hệ giữa công ty quản lý và nghệ sĩ, vấn đề đời tư cũng rất phức tạp. Bởi thế, thần tượng ảo dường như là giải pháp triệt để cho các vấn đề trên và chúng tôi quyết định theo đuổi dự án này", Bobo Đặng nói.

    Chia sẻ với Zing, nam nhà sáng lập nhận định anh sẽ theo đuổi dự án này lâu dài. Giá trị cốt lõi của Ann là âm nhạc nên việc khán giả nói ca sĩ này ảo hay thật không quá quan trọng. Người sáng lập quan tâm giá trị âm nhạc mà họ mang lại, được khán giả đón nhận là điều thành công.

    Phía quản lý của Ann cho biết, sau khi debut, cô sẽ cho ra mắt nhiều sản phẩm âm nhạc khác. Ngoài ra, nữ ca sĩ cũng sẽ được đi biểu diễn ở các buổi hòa nhạc, nhận show như các thần tượng thông thường. Về việc giao lưu tự nhiên hay bằng lập trình có sẵn, Bobo Đặng nói Ann sẽ được phát triển như một thần tượng thật, hiện hữu trên sân khấu và trò chuyện cùng khán giả.

    Tranh cãi

    Tại Việt Nam, một vài thần tượng ảo đã được ra mắt. Tuy nhiên, Ann là nữ ca sĩ ảo đầu tiên được giới thiệu đến công chúng một cách bài bản, có MV riêng.

    Với khán giả, ngoài câu chuyện của âm thanh, nhạc còn là câu chuyện của cảm xúc. Người nghe nhạc thường đặt nhiều tâm tư, tình cảm vào bài hát.

    Dù Ann được tạo ra với màu giọng và xử lý âm thanh sống động, có cao độ, trường độ và phát âm cảm giác như ca sĩ thật. Nhưng bản chất đây vẫn là một ca sĩ ảo.

    Tranh luận về Ann - ca sĩ ảo đầu tiên ở Việt Nam

    Ca sĩ ảo là sự kết hợp của thuật toán AI cùng các âm thanh thật.

    Nhiều người cho rằng họ sẽ không theo dõi, không chi tiền để theo đuổi một thần tượng ảo - vấn đề gây tranh cãi tương tự ở Hàn Quốc và các nước châu Á khi thần tượng ảo ra đời. Nhà sáng lập Bobo Đặng cho biết, là người tiên phong tại Việt Nam, anh lường trước những tranh cãi về dự án của mình.

    Bobo Đặng nói với Zing: "Bản chất của ngành giải trí thì tranh cãi giúp việc truyền thông được tốt hơn. Một sản phẩm ra mắt sẽ có những ý kiến trái chiều, đây là điều không tránh khỏi. Chúng tôi đã lường trước được những tranh cãi và rủi ro, nó nằm trong phạm vi có thể chấp nhận. Nếu lo sợ tranh cãi, tôi đã không theo đuổi dự án này".

    "Idol thật còn gãy huống gì ca sĩ ảo"

    Phương Thanh cho biết cô không rành về công nghệ nên cũng hứng thú, tò mò về dự án ca sĩ ảo này. Nhận xét về Ann, nữ ca sĩ chia sẻ cô thích ngoại hình hơn, còn về giọng thì "hát cũng được, dễ thương, hợp trên mạng".

    Nữ ca sĩ chia sẻ: "Nói chung dự án này cũng hợp lý, nhưng để tồn tại lâu dài và đạt được như ý nhà sản xuất thì phải đợi thêm. Có thể gãy ngang, cũng có thể sẽ đi được. Idol thật còn gãy mà huống chi idol ảo, nên cứ từ từ".

    Theo cô, dù theo dòng nhạc nào cũng phải có cảm xúc. "Ảo thì chia sẻ được gì? Ảo thì tất cả giá trị chỉ thuộc về ảo thôi. Người thật còn chưa tâm sự được hết mọi thứ với nhau mà", Phương Thanh nói.

    Nữ ca sĩ cho biết, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo và đội ngũ sáng lập này là rất đáng nể. Bởi thế, với dự án này, cô ủng hộ các bạn trẻ. Là một thần tượng thật, Phương Thanh tò mò với sự ra đời của ca sĩ ảo, nhưng với cô, giá trị âm nhạc và cảm xúc phải là thật.

    Cuốn sách đáng đọc về âm nhạc

    Những nốt nhạc tỉnh thức ghi lại những khám phá của tác giả Tricia Tunstall, và những nỗ lực làm sáng tỏ khả năng gần như kỳ diệu của El Sistema để truyền cảm hứng cho mọi người. Shout! The Beatles: Hơi thở thời đại của thế kỷ 20 viết về ban nhạc The Beatles từ những ngày đầu mơ mộng, đến đỉnh cao của vinh quang; giai đoạn thoái trào với nhiều thông tin, sự kiện thú vị.

    Wham! - George & tôi: Hồi kí, Nhạc cổ điển: Những mảnh ghép sắc màu, Beethoven - Bản nhạc đam mê là những cuốn sách dành cho độc giả yêu âm nhạc tìm hiểu về những nhóm nhạc nổi tiếng thế giới cũng như có thêm góc nhìn mới mẻ, gần gũi về nền âm nhạc cổ điển.

    Nguồn Zingnews

    Viết bình luận

    Chú ý: Không sử dụng các mã lệnh HTML!