• Trang chủ
  • TP.HCM chuẩn bị kiểm định, sửa chữa gần 350 chung cư cũ

    TP.HCM chuẩn bị kiểm định, sửa chữa gần 350 chung cư cũ

    0
    272

    Sở Xây dựng TP kiến nghị nhanh chóng sửa chữa hàng trăm chung cư cũ và di dời người dân ra khỏi các chung cư cấp D.

    Sở Xây dựng TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND TP về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện chỉnh trang và phát triển đô thị trên địa bàn TP, giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo.

    Thiếu vốn cải tạo, sửa chữa chung cư cũ

    “Quyết định 3837 ngày 10-11-2021 đặt chỉ tiêu đến năm 2025 hoàn tất việc cải tạo, sửa chữa 246 chung cư cấp B, C (66 chung cư cấp C, 180 chung cư cấp B) còn lại của giai đoạn 2016-2020. Tổng vốn dự kiến là 500 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách. Tuy nhiên, hiện nay do chưa được bố trí vốn nên chưa có chung cư nào được cải tạo, sửa chữa” - báo cáo của Sở Xây dựng TP nêu thực trạng.

    chungcu

    Một chung cư cũ, xuống cấp nghiêm trọng trên đường Hai Bà Trưng (quận 1, TP.HCM) đã thực hiện di dời cư dân. Ảnh: KIÊN CƯỜNG

    Để khắc phục vướng mắc trên, Sở Xây dựng đã có công văn đề nghị Sở Tài chính tổng hợp, tham mưu TP về nhu cầu kiểm định, sửa chữa chung cư cũ trên địa bàn. Kết quả có 349 chung cư cần sửa chữa với tổng mức đầu tư là gần 294 tỉ đồng. Trong đó, kiểm định 104 chung cư cần 12,8 tỉ đồng; sửa chữa 245 chung cư cần 280,8 tỉ đồng.

    Đối với 16 chung cư cấp D, TP đã di dời 673/1.194 hộ dân, gồm toàn bộ 354 hộ dân tại 7/16 chung cư; di dời dở dang 319/566 hộ dân tại 5/16 chưng cư; chưa di dời 4/16 chưng cư. Về công tác tháo dỡ chung cư cũ, đã tháo dỡ toàn bộ 10 chung cư cấp D (14 lô).

    Trong 16 chung cư cấp D hiện chưa triển khai đầu tư xây dựng mới thì có bốn chung cư thuộc giai đoạn 2016 (quy mô 136.421,41 m2 sàn, 1.440 căn hộ) được đầu tư xây dựng mới.

    Sở Xây dựng TP cho biết các quận, huyện cũng báo cáo về công tác lựa chọn chủ đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Theo đó, bốn chung cư đã lựa chọn được chủ đầu tư thông qua hội nghị nhà chung cư gồm: 23 Lý Tự Trọng (quận 1), 128 Hai Bà Trưng (quận 1), Nakyco (quận Tân Phú) và 6 Bis Nguyễn Tất Thành (quận 4). Cụm tám chung cư lô số Thanh Đa (quận Bình Thạnh) đã thực hiện lựa chọn chủ đầu tư thông qua hình thức đấu thầu; hai chung cư do Nhà nước thực hiện đầu tư xây dựng là chung cư 440 Trần Hưng Đạo (quận 5) và 119B Tân Hòa Đông (quận 6).

    Nhiều nguyên nhân khiến việc sửa chung cư cũ rất chậm

    “Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã ban hành chương trình đột phá, trọng điểm phát triển TP. Trong đó không có chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị giai đoạn 2021-2025. Có thể điều này đã dẫn đến nguồn vốn ngân sách dành cho công tác cải tạo, sửa chữa chung cư cũ không được quan tâm, ưu tiên đúng mức, dẫn đến kết quả đạt được còn khiêm tốn” - Sở Xây dựng nhận định.

    Hiện công tác tháo dỡ, xây dựng mới thay thế các chung cư cũ chủ yếu dừng lại ở việc di dời tạm cư người dân để đảm bảo an toàn đối với chung cư hư hỏng nặng, nguy hiểm.

    “Do ngân sách TP hạn hẹp nên các dự án xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ chủ yếu là huy động từ nguồn vốn của doanh nghiệp. Từ năm 2021 đến nay, TP chưa bố trí vốn chi thường xuyên cho các quận và TP Thủ Đức để thực hiện công tác kiểm định, sửa chữa, dẫn đến việc chưa có chung cư nào được sửa chữa” - Sở Xây dựng TP thẳng thắn.

    Sở này cho rằng trong trường hợp TP không bố trí được nguồn vốn thực hiện kiểm định lại các chung cư được xây dựng trước năm 1975, sửa chữa 246 chung cư cấp B, C còn lại của giai đoạn 2016-2020 thì sẽ ảnh hướng đến chỉ tiêu, tiến độ thực hiện Kế hoạch chỉnh trang và phát triển đô thị trên địa bàn TP, giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo.

    Mặt khác, đối với các dự án xây dựng mới thay thế chung cư cũ dù đã có chủ đầu tư nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc do liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân và việc bồi thường đối với phần diện tích nhà đất thuộc quyền sở hữu của Nhà nước

    “Hiện chưa có chính sách đột phá trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với chung cư hư hỏng nặng, nguy hiểm. Thời gian thụ lý giải quyết thẩm định, phê duyệt giá bồi thường, các vướng mắc về chính sách tại sở, ngành kéo dài đã ảnh hưởng đến tiến độ bồi thường của dự án. Thêm nữa, cấp ủy, chính quyền địa phương các quận, huyện, sở, ngành cũng chưa quyết liệt, chủ động thực hiện” - báo cáo chỉ ra một phần nguyên nhân chậm trễ.

    Nguồn Pháp luật

    Viết bình luận

    Chú ý: Không sử dụng các mã lệnh HTML!