• Trang chủ
  • Tìm căn nguyên các tiệm vàng tại TP.HCM đóng cửa

    Tìm căn nguyên các tiệm vàng tại TP.HCM đóng cửa

    0
    73

    Trước việc Quản lý thị trường TP.HCM đi kiểm tra, hàng loạt tiệm vàng tại TP.HCM đóng cửa không lý do. Điều này dễ hiểu, bởi chính Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.HCM thừa nhận, để tồn tại, doanh nghiệp vàng phải mua vàng trôi nổi, nên khi thanh, kiểm tra sẽ bị vướng về mặt pháp lý.

    Lực lượng quản lý thị trường TP.HCM quyết liệt kiểm tra cửa hàng kinh doanh vàng bạc Nhiều tiệm vàng đồng loạt đóng cửa

    Quản lý thị trường ra quân, tiệm vàng đóng cửa “tránh bão”

    Ngày 20/3/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 23/CĐ-TTg yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng.

    Theo đó, bên cạnh việc yêu cầu các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp bình ổn thị trường vàng, Thủ tướng yêu cầu thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng và các chủ thể khác tham gia thị trường; kịp thời phát hiện những sơ hở, bất cập để xử lý chủ động, tích cực, hiệu quả theo thẩm quyền và báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền các biện pháp xử lý phù hợp, đúng quy định đối với những vấn đề vượt thẩm quyền. Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật, nhất là các hành vi buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túng, lợi dụng chính sách đẩy giá của các tổ chức, cá nhân…, gây mất ổn định, an toàn thị trường vàng.

    Thực hiện chỉ đạo, Cục Quản lý thị trường TP.HCM đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường tiến hành kiểm tra đột xuất nhiều doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh mặt hàng vàng trên địa bàn Thành phố.

    Kết quả bước đầu, Đoàn kiểm tra đã phát hiện một địa điểm kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; 5 địa điểm có các hành vi vi phạm như kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; các mặt hàng bông tai, mặt dây chuyển, lắc tay… có dấu hiệu giả mạo một số nhãn hiệu nổi tiếng như Chanel, Versace, Louis Vuitton.

    Hậu quả của việc buôn lậu vàng, ngoài trốn thuế, thất thu ngân sách, còn tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính, gây “vàng hóa” nền kinh tế, tác động tới giá ngoại tệ, trực tiếp là USD, gây áp lực lên thị trường ngoại tệ và tỷ giá chính thức, từ đó ảnh hưởng bất lợi tới việc điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát, cũng như ổn định kinh tế vĩ mô. Ban Chỉ đạo 389

    Quản lý thị trường TP.HCM đã lập biên bản và ban hành 6 quyết định tạm giữ toàn bộ tang vật có dấu hiệu vi phạm để tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định. Hàng hóa là trang sức các loại bị tạm giữ có tổng giá trị hơn 177 triệu đồng.

    Trong bối cảnh Quản lý thị trường “ra quân quyết liệt”, nhiều tiệm vàng tư nhân ở TP.HCM đã đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh. Thậm chí, tới thời điểm này, khá nhiều tiệm vàng trang sức quanh chợ An Đông (quận 5) và trên phố vàng bạc đá quý Nguyễn Duy Dương (quận 5) vẫn đang trong tình trạng đóng cửa không có lý do. Có tiệm vàng ở quận Tân Bình dán bảng thông báo tạm nghỉ không lý do tới ngày 25/4.

    Đóng cửa bởi có thể dính án

    Trả lời báo chí, một chủ một tiệm vàng tại quận 5 cho biết, đóng cửa để “tránh bão”, vì nếu có kiểm tra chắc chắn sẽ phát hiện sai phạm, đặc biệt với 2 lỗi là sản phẩm giả các thương hiệu nổi tiếng được bảo hộ độc quyền và lỗi nguồn gốc xuất xứ.

    Thực ra, chính quyền TP.HCM đã rõ điều này từ năm ngoái. Hồi tháng 11/2023, thực hiện Kế hoạch số 5511/KH-UBND ngày 7/11/2023 của UBND TP.HCM về việc tổ chức Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa chính quyền Thành phố và doanh nghiệp năm 2023, Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố đã tổ chức lấy ý kiến, thu thập thông tin doanh nghiệp.

    Sau đó, ngày 16/11/2023, Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố có Báo cáo số 666/HHDN-VP tổng hợp các khó khăn, kiến nghị của cả doanh nghiệp vàng bạc gửi thường trực UBND Thành phố cùng 25 sở, ngành và cơ quan liên quan, bao gồm cả Thanh tra, Công an TP.HCM.

    Theo đó, đại diện Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.HCM thẳng thắn thừa nhận rằng, hiện nay, đầu vào và đầu sản phẩm kim hoàn không minh bạch, doanh nghiệp muốn duy trì nghề chế tác kim hoàn buộc phải mua hàng trôi nổi. Điều này không chỉ gặp nhiều rủi ro, mà doanh nghiệp còn đối diện với việc làm không hợp pháp.

    Trong khi đó, cơ quan chức năng quản lý vàng theo Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012. “Nghị định số 24/2012/NĐ-CP đã tồn tại 12 năm, có nhiều bất cập và không còn phù hợp. Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.HCM mong muốn chấp hành đúng pháp luật, đã nhiều lần kiến nghị, nhưng chưa có gì thay đổi. Khi các cơ quan chức năng vào cuộc thanh kiểm tra, hầu hết doanh nghiệp bị vướng về mặt pháp lý. Ngành này đóng góp ngân sách lớn, nhưng chưa được quan tâm”, đại diện Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.HCM phản ánh.

    Đại diện Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.HCM cũng đề xuất lãnh đạo Thành phố “sử dụng quyền được phép theo Nghị quyết 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, để quy định những gì luật pháp chưa quy định; tìm nguyên liệu hợp pháp cho ngành vàng, bạc, đá quý; kiểm soát quy trình từ nguyên liệu, sản xuất đến lưu thông trong nước và xuất khẩu…

    Nguyên nhân độc quyền, lệch giá

    Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.HCM thừa nhận và dùng từ khá khéo léo rằng, doanh nghiệp “buộc phải mua hàng trôi nổi”. Còn Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) thì rõ ràng hơn trong Văn bản số 157/BCĐ389-VPTT ký ngày 8/12/2023 (yêu cầu cơ quan liên quan tăng cường kiểm soát, đấu tranh phòng, chống buôn lậu mặt hàng vàng) rằng, vàng lậu được tuồn vào các doanh nghiệp, tiệm vàng, các cơ sở sản xuất, chế tác trang sức mỹ nghệ tại Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh, thành phố khác để tiêu thụ.

    Phân tích rõ hơn, Ban Chỉ đạo 389 cho hay, việc hàng loạt vụ buôn lậu vàng lớn, có khi 3-5 tấn vàng mà Bộ Công an phát hiện, bắt giữ năm 2022, 2023 cho thấy, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép, trốn thuế đối với mặt hàng này diễn biến khá phức tạp, tập trung chủ yếu ở các tuyến đường bộ đất liền biên giới phía Tây Nam giáp Campuchia (các tỉnh An Giang, Long An, Tây Ninh), biên giới khu vực miền Trung giáp Lào (Quảng Trị, Hà Tĩnh), tuyến cảng hàng không quốc tế (Nội Bài, Tân Sơn Nhất).

    Các đối tượng vi phạm lợi dụng triệt để quy định thông thoáng trong chính sách (quản lý hoạt động kinh doanh vàng, ngoại hối của Nhà nước, quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa, quản lý thuế, chính sách cư dân biên giới...), địa hình, địa vật (đường biên giới dài, nhiều kênh, rạch, sông, suối, hiểm trở, lợi dụng đêm tối, ngày nghỉ lễ, tết, giao ca của các lực lượng chức năng...), sử dụng phương thức, thủ đoạn tinh vi (tổ chức theo đường dây, chia nhiều công đoạn vận chuyển, cất giấu vàng, ngoại tệ trong người, phương tiện, hàng hóa, khò, nung chảy, xóa ký hiệu, dấu vết truy xuất nguồn gốc...) để buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng vào Việt Nam, sau đó đưa tới các doanh nghiệp, tiệm vàng, các cơ sở sản xuất, chế tác trang sức mỹ nghệ tại Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh, thành phố khác để tiêu thụ.

    Nguyên nhân, theo Ban Chỉ đạo 389, chính sách quản lý vàng của thế giới khá thông thoáng với mức thuế, phí thấp. Một số quốc gia gần Việt Nam như Singapore có các sàn giao dịch vàng lớn, uy tín trên thế giới, được Tập đoàn Metalor của Thụy Sĩ đặt các nhà máy tinh chế vàng nhằm thu mua nguyên liệu và sản xuất các sản phẩm vàng thanh cung cấp cho thị trường châu Á và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

    Do đó, các đối tượng buôn lậu trong nước dễ dàng tiếp cận nguồn vàng và giao dịch theo chỉ số giá thế giới, đặc biệt là các quốc gia như Lào, Campuchia quy định về khai thác, quản lý, mua bán vàng khá thuận lợi, nguyên liệu vàng khai thác không được chế biến sâu, nên giá rẻ hơn so với Việt Nam.

    Trong khi đó, tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước mới chỉ cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho 2 đối tượng (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ để xuất khẩu và doanh nghiệp kinh doanh vàng có hợp đồng gia công vàng trang sức, mỹ nghệ với nước ngoài), dẫn đến nguồn cung khan hiếm, thiếu hụt nguyên liệu sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và các nhu cầu khác.

    Thị trường vàng trong nước, mặc dù có diễn biến theo xu thế thị trường vàng quốc tế, nhưng biên độ, nhịp độ chưa đều, thường phản ánh chậm hơn, dẫn đến chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới, giữa giá vàng miếng SJC với vàng nguyên liệu và chênh lệch giữa giá mua vào và giá bán ra. Ngoài ra, không loại trừ hệ lụy từ việc làm giả vàng miếng SJC hoặc tình trạng các thương hiệu vàng lớn (DOJI, PNJ) neo giá vàng tiệm cận giá vàng miếng SJC. Chính lợi nhuận đã thúc đẩy động cơ phạm tội của các đối tượng.

    Từ thừa nhận của Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.HCM và phân tích của Ban Chỉ đạo 389 từ cuối năm 2023 cho thấy, thanh kiểm tra chỉ là phần ngọn. Để giải quyết vấn đề tận gốc, cần giải pháp minh bạch, xóa độc quyền thị trường vàng, chống chệnh lệch giá vàng trong và ngoài nước.

    Nguồn: Báo Đầu Tư

    Viết bình luận

    Chú ý: Không sử dụng các mã lệnh HTML!