• Trang chủ
  • Ông Trump biến rắc rối pháp lý thành động lực gây quỹ

    Ông Trump biến rắc rối pháp lý thành động lực gây quỹ

    0
    173

    Donald Trump đang gặp rắc rối pháp lý, nhưng những cáo buộc này lại giúp chiến dịch của ông gây quỹ được 12 triệu USD từ người ủng hộ.

    Khi cựu tổng thống Donald Trump chờ trình diện tòa án ở Manhattan tuần trước, chiến dịch vận động tái tranh cử của ông gửi một email gây quỹ tới người ủng hộ. "Còn cách nào tốt hơn để chứng minh chúng ta không bao giờ đầu hàng trước phe cánh tả là vô số người yêu nước mặc chiếc áo phông in dòng chữ 'VÔ TỘI'", email có đoạn.

    Để sở hữu chiếc áo phông in hình Trump cùng dòng chữ "VÔ TỘI" này, người ủng hộ sẽ cần quyên góp tối thiểu 47 USD cho chiến dịch tranh cử của ông.

    Bất chấp việc Trump bị truy tố với cáo buộc chi tiền "bịt miệng" những người có thể tung thông tin bất lợi về ông, hàng trăm nghìn người ủng hộ vẫn sẵn sàng chi cho chiến dịch của cựu tổng thống, với số tiền quyên góp trung bình là 34 USD mỗi người. Sau một tuần bị bủa vây bởi rắc rối pháp lý, nỗ lực gây quỹ từ những người ủng hộ đã giúp Trump trở thành ứng viên mạnh trong cuộc đua năm 2024.

    "Giai đoạn tiền tranh cử kéo dài một vài năm và tài chính là yếu tố rất quan trọng, bởi nó là một trong những cách hiếm hoi để ứng viên ghi điểm với người ủng hộ. Người Mỹ rất thích ghi điểm kiểu như vậy", Michael Goff, nhà khoa học chính trị tại Đại học George Washington, nói.

    Ông Trump biến rắc rối pháp lý thành động lực gây quỹ

    Hình ảnh áo phông in hình Trump được gửi kèm email gây quỹ. Ảnh: NY Post

    Goff thêm rằng việc gây quỹ thành công trước khi các vòng bầu cử sơ bộ diễn ra rất có giá trị. "Càng huy động được nhiều tiền, bạn càng tăng mức độ uy tín của bản thân, đồng thời truyền thông cũng đưa tin về bạn nhiều hơn", ông nói.

    Số tiền gây quỹ trong giai đoạn này rất quan trọng, bởi nó sẽ là nguồn lực để tài trợ cho cả chiến dịch tranh cử, theo Goff. "Nhưng tôi cho rằng một trong những giá trị chính của tiền là nó thể hiện bạn làm tốt ra sao trong cuộc đua và đó là lý do Trump rất hào hứng với điều đó", ông nói thêm.

    Hoạt động gây quỹ của Trump diễn ra rất sôi nổi kể từ khi ông bị công tố viên Manhattan ở New York ra quyết định truy tố. Lời mời chào mua áo phông tuần trước chỉ là một trong tám email kêu gọi huy động tiền trong ngày ông Trump trình diện ở tòa án New York, vượt qua mức 5 email mỗi ngày mà chiến dịch duy trì trong thời gian gần đây.

    Tuần trước, chiến dịch gây quỹ của Trump thu về 12 triệu USD, tốt hơn rất nhiều so với 9,5 triệu USD mà ông có được trong sáu tuần đầu tiên sau khi phát động chiến dịch vào giữa tháng 11 năm ngoái.

    Chiến dịch của ông chưa công bố tổng số tiền nhận được trong quý đầu năm nay. Nikki Haley, cựu thống đốc Nam Carolina tuyên bố tranh cử vào giữa tháng 2, cho biết bà đã gây quỹ được 11 triệu USD từ 70.000 nhà tài trợ cho đến hết tháng 3, với mức quyên góp trung bình 157 USD/người.

    Chiến dịch tranh cử của Trump năm 2016 chỉ huy động được khoảng 600 triệu USD, bằng một nửa so với bà Hillary Clinton. 1/4 quỹ tranh cử của ông đến từ các nhà tài trợ nhỏ, nhưng mọi thứ đã được cải thiện vào năm 2020 với 49% nguồn tiền đến từ nhóm cử tri này. Tỷ lệ quỹ tranh cử từ nhóm tài trợ nhỏ của ông Joe Biden trong chiến dịch năm 2020 là 38,4%.

    Khi Trump chủ yếu nhắm tới một nhóm người nhất định, các email gây quỹ thường bao gồm những ưu đãi đặc biệt. Tuần trước, các nhà tài trợ được hứa hẹn trở thành "thành viên sáng lập" của Quỹ Tổng thống, với cam kết rằng "những người sáng lập sẽ lưu danh lịch sử khi bảo vệ phong trào của chúng ta trong thời điểm đất nước chứng kiến cuộc săn phù thủy tàn ác nhất".

    Đây chỉ là một trong rất nhiều phần thưởng mà chiến dịch của Trump đưa ra với các nhà tài trợ. Tháng 11 năm ngoái, chiến dịch tìm cách bán tư cách thành viên "Câu lạc bộ Day One của Tổng thống Trump năm 2024". Hồi tháng 10, người hâm mộ có thể trả tiền để trở thành "đại sứ 45" hay cơ hội làm "thành viên của siêu MAGA năm 2022".

    Lời mời nêu rằng "tổng thống Trump đã lựa chọn rất kỹ người mà ông muốn trở thành thành viên nhóm độc quyền. Ông ấy chỉ muốn những người tốt nhất. Chúng tôi không thể nghĩ có ai xứng đáng hơn bạn. Bạn hãy chấp nhận lời mời của chúng tôi ngay bây giờ".

    Nhưng những hoạt động như vậy trong chiến dịch gây quỹ của Trump đối mặt với nhiều hoài nghi. Trung tâm Pháp lý Chiến dịch (CLC) đã kêu gọi Ủy ban Bầu cử Liên bang (FEC), cơ quan thực thi luật tài chính chiến dịch, điều tra về việc sử dụng quỹ chiến dịch tranh cử của Trump.

    Hai ủy ban gây quỹ chính của Trump trong chiến dịch 2020 là Donald J Trump for President Inc và Trump Make America Great Again Committee đã thu về 1,6 tỷ USD. Trong số đó, 771 triệu USD được chuyển cho một thực thể duy nhất là công ty American Made Media Consultants (AMMC) để thanh toán các hóa đơn truyền thông lớn như mua quảng cáo.

    Nhiều khoản thanh toán từ cả hai ủy ban cho AMMC được ghi lại với mô tả ngắn gọn như "dịch vụ thuê kỹ thuật số" hay "quảng cáo SMS". Không có thêm thông tin gì về các giao dịch, do đó nguồn tiền được chuyển tới công ty hoặc cá nhân nào vẫn là bí ẩn.

    Một người phát ngôn chiến dịch của Trump nói rằng họ "tiết kiệm tiền cho chiến dịch bằng cách sử dụng các dịch vụ nội bộ thay vì nhà cung cấp bên ngoài. Chiến dịch đã báo cáo tất cả khoản thanh toán cho AMMC theo yêu cầu của FEC".

    AMMC không có trang web riêng. Là công ty tư nhân, AMMC không phải khai báo về ban lãnh đạo hoặc tài khoản của họ, song truyền thông Mỹ tiết lộ Lara Trump, vợ của Eric, con trai ông Trump, là thành viên hội đồng quản trị công ty trước khi từ chức vào năm 2019.

    Adav Noti, giám đốc pháp lý của CLC, nói rằng điều này trái với nguyên tắc minh bạch về sử dụng tiền tài trợ. Tuy nhiên, FEC từ chối điều tra, bởi không nhận đủ đa số phiếu ủng hộ từ hội đồng điều hành gồm 6 thành viên.

    Ba người từng được Trump bổ nhiệm vào hội đồng điều hành của FEC đã bỏ phiếu phản đối cuộc điều tra. Họ tuyên bố hồi mùa hè năm ngoái rằng cách tổ chức chiến dịch như của Trump không phải chưa từng có và FEC nên tập trung nguồn lực cho các vấn đề khác.

    Ông Trump biến rắc rối pháp lý thành động lực gây quỹ

    Cựu tổng thống Donald Trump tại sự kiện vận động tranh cử ở Waco, bang Texas ngày 25/3. Ảnh: AP

    Bất chấp những cáo buộc về cách sử dụng tiền tài trợ, chiến dịch của Trump vẫn thu về rất nhiều tiền trong tuần trước, thúc đẩy bởi làn sóng phẫn nộ của phe Cộng hòa với lệnh truy tố Trump. Tại tòa án hôm 4/4, Trump bác bỏ 34 cáo buộc làm sai lệch hồ sơ kinh doanh nhằm che giấu các tội khác như vi phạm luật bầu cử. Ông dự kiến dự phiên điều trần tiếp theo trước tòa vào tháng 12.

    "Có rất nhiều người như chúng tôi ngoài kia. Đây là một phong trào chưa từng có trước đây", Marlene Stone, 62 tuổi, đại lý bất động sản ở Texas, nói về những người ủng hộ trung thành của Trump.

    Stone cho biết bà càng ủng hộ Trump nhiều hơn sau vụ truy tố. "Tôi nghĩ toàn bộ cáo buộc là bịa đặt. Tôi hy vọng mọi người hãy tỉnh táo và xem nó thực chất là gì, đó chỉ là cuộc tấn công nhằm vào Trump. Họ chỉ muốn ông ấy không tranh cử vào năm 2024. Họ muốn ông ấy ngồi tù", bà nói.

    Stone thêm rằng bà đã nhận được email kêu gọi gây quỹ từ chiến dịch của Trump và tin vào sự liêm chính của ông. "Ông ấy đã nhiều lần chứng minh rằng ông thực hiện tất cả những gì từng cam kết trong chiến dịch tranh cử năm 2016. Hãy nhìn vào những gì ông ấy đã làm. Chúng tôi có hòa bình, trong khi thời Obama, Bush hay Clinton đều có chiến tranh", bà nói.

    Stone tin rằng toàn bộ số tiền quyên góp đều được chiến dịch Trump sử dụng đúng cách.

    "Cách mà Trump điều hành doanh nghiệp, vận hành đất nước cho tôi biết rằng ông ấy là người duy nhất chân thành, nghiêm túc gây quỹ và phân bổ số tiền đó tới nơi cần thiết", bà khẳng định.

    Nguồn Vnexpress

    Viết bình luận

    Chú ý: Không sử dụng các mã lệnh HTML!