Nhiều loại thuốc hiện nay có hiệu quả cao nhưng giá thành đắt đỏ. Ví dụ, một bệnh nhân ung thư có thể phải chi trả cả tỷ đồng để kéo dài sự sống thêm một năm.
Thông tin trên được bà Nguyễn Thị Hà, Giảng viên Khoa Dược, Trường Đại học Khoa học Sức khỏe, ĐHQG TP HCM, chia sẻ tại hội thảo góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, ngày 19-9.
Tại hội thảo dược sĩ Lê Ngọc Danh, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Dược, Sở Y tế TP HCM, cho biết Luật Dược đã được ban hành hơn 10 năm và dự thảo sửa đổi, bổ sung hiện tại cơ bản đáp ứng các thay đổi trong quá trình phát triển của ngành. Tuy nhiên, một số nội dung đã bị loại bỏ sau khi ban hành so với dự thảo trước đó, gây ra những khó khăn trong việc thực thi.
Ví dụ điển hình là oxy y tế. Theo Luật Dược sửa đổi trước đây, oxy y tế thuộc danh mục trang thiết bị, nhưng hiện nay lại không còn nằm trong danh mục này, khiến việc quản lý trong tương lai trở nên mơ hồ. Các cơ sở khám chữa bệnh đang gặp khó khăn trong việc mua sắm oxy y tế do không có quy định cụ thể, trong khi Tổ chức Y tế Thế giới xem oxy y tế là một loại thuốc thiết yếu. Do đó, cần làm rõ hoặc có điều khoản riêng về oxy y tế trong dự thảo Luật Dược.
Ngoài ra, các cơ sở kinh doanh và khám chữa bệnh cũng đang đối mặt với khó khăn liên quan đến việc gia hạn số đăng ký thuốc. Dự thảo Luật Dược lần này vẫn giữ nguyên yêu cầu thuốc phải nộp hồ sơ gia hạn và có số đăng ký hiệu lực trong 5 năm, gây áp lực lên cơ quan cấp phép và nguy cơ ùn ứ hồ sơ như trong giai đoạn dịch COVID-19. Dược sĩ Danh kiến nghị nên quy định tự động gia hạn cho các loại thuốc đạt chất lượng, hoặc hướng tới việc cấp phép một lần để giảm bớt thủ tục hành chính.
Ông cũng nhấn mạnh mặc dù Luật đã được ban hành, các Nghị định và Thông tư hướng dẫn vẫn chậm trễ hoặc không có sự đồng nhất. Ví dụ, khoản 1 điều 147 Luật Dược (cũ) quy định quyền của nhà thuốc trong việc cấp phát thuốc bảo hiểm y tế (BHYT) và thuốc chương trình, dự án nếu đáp ứng điều kiện cụ thể. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng được trong thực tiễn do thiếu hướng dẫn chi tiết, và dự thảo Luật sửa đổi hiện tại cũng không đề cập đến nội dung này.
Bà Nguyễn Thị Hà, Giảng viên Khoa Dược, Trường Đại học Khoa học Sức khỏe, ĐHQG TP HCM, cũng góp ý về danh mục thuốc được BHYT chi trả. Bà nhấn mạnh thuốc BHYT đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp cận của người dân với dịch vụ y tế.
Bộ Y tế đã ban hành dự thảo về nguyên tắc và tiêu chí để đưa một loại thuốc vào danh mục BHYT chi trả. Nhiều loại thuốc hiện nay có hiệu quả cao nhưng giá thành rất đắt đỏ. Bà dẫn chứng trường hợp một bệnh nhân ung thư có thể phải chi trả cả tỉ đồng để kéo dài sự sống thêm một năm.
Theo bà Hà, việc lựa chọn thuốc trong danh mục BHYT cần phải bám sát nhu cầu khám chữa bệnh của người dân tham gia BHYT, đảm bảo cân đối giữa hiệu quả điều trị và khả năng chi trả của quỹ.
Phát biểu kết luận, ông Hà Phước Thắng, Thành ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM ghi nhận các ý kiến của đại biểu và sẽ tổng hợp báo cáo lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đơn vị thẩm tra và chủ trì biên soạn, cũng như các đại biểu Quốc hội của TP HCM để thảo luận. Dự kiến, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8.
Riêng về thuốc y học cổ truyền, dược sĩ Lê Ngọc Danh cho biết Bệnh viện Y học cổ truyền TP HCM hiện có nhà máy đạt chuẩn GMP duy nhất về thuốc y học cổ truyền trên cả nước. Tuy nhiên, do bệnh viện không phải cơ sở kinh doanh nên thuốc sản xuất ra không thể bán cho các bệnh viện khác trong TP, cũng không thể tham gia đấu thầu. Điều này cho thấy nhiều nội dung của Luật tuy phù hợp với yêu cầu nhưng chưa được hướng dẫn đầy đủ, khiến việc thực thi gặp khó khăn.
TS-BS Trương Thị Ngọc Lan, Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP HCM, cũng cho biết các bệnh viện y học cổ truyền còn gặp trở ngại lớn do quy định về "dược liệu, thuốc cổ truyền sản xuất trong nước phải đạt tiêu chuẩn thực hành tốt nuôi trồng và thu hái" (theo điều 7, mục 4a và 4b). Điều này khó áp dụng trong thực tế tại Việt Nam, nơi phần lớn dược liệu, như rau má, do nông dân trồng. Bà Lan đề xuất thay đổi quy định này thành "đạt thực hành tốt nuôi trồng, thu hái hoặc đạt chất lượng theo dược điển", và cần có cơ sở kiểm nghiệm để đánh giá chất lượng dược liệu.
Nguồn: Người Lao Động