• Trang chủ
  • Nuôi 10 con vào đại học bằng giáo dục tại nhà

    Nuôi 10 con vào đại học bằng giáo dục tại nhà

    0
    248

    Toàn bộ 10 đứa trẻ nhà Kip và Monalisa Harding đều vào đại học trước tuổi 13, dù được nuôi dạy tại nhà bằng phương pháp homeschooling.

    Con gái lớn nhất của họ, Hannah, nhận bằng cử nhân toán Đại học Auburn, Montgomery vào tuổi 17, năm 2004. Năm ngoái, con út Thunder 11 tuổi, thi đỗ vào trường đại học và bây giờ đang là sinh viên năm nhất Đại học Bellevue.

    Bà Harding, 53 tuổi, bắt đầu áp dụng chương trình homeschooling (giáo dục tại gia) với các con từ hè năm 1997, sau khi Hannah kết thúc lớp 3 - dành cho trẻ 8-9 tuổi.

    Vợ chồng Harding (ngồi giữa) và 9 trong số 10 người con của họ. Ảnh: SWNS

    "Tôi rất nhớ con bé khi nó ở trường suốt ngày. Tôi cảm thấy có gì đó không đúng ở đây. Dường như trách nhiệm của phụ huynh là dạy dỗ con cái mình khi chúng còn nhỏ như thế". Thời điểm này, chồng bà, ông Harding, cũng 53 tuổi, đang phục vụ trong quân ngũ ở vị trí đòi hỏi đi công tác nhiều, vì vậy, gia đình họ liên tục thay đổi chỗ ở.

    Bà Harding dần hình thành các giờ học tại nhà, dành nhiều thời gian quan tâm đến bài vở của con. Chẳng mấy chốc, Hannah tiến bộ rất nhanh ở môn toán.

    "Lúc 12 tuổi, Hannah đã có thể làm các bài toán ở trình độ đại học và đó là lúc chồng tôi nghĩ phải thuê người dạy con bé vì tôi quá bận rộn chăm sóc những đứa trẻ khác còn anh ấy bận việc. Chúng tôi đăng ký cho Hannah một khóa học online và con bé giành điểm B", bà Harding chia sẻ với The Times hôm 18/11.

    Khi Hannah vào đại học, các chị em trong nhà cũng muốn theo phương pháp tương tự. "Chúng tôi biết mình đã đi đúng hướng. Kết quả nhận được tương xứng với thời gian và tâm huyết bỏ ra", bà Harding nói. Bọn trẻ không đến các trường học truyền thống hàng ngày mà được bố mẹ cho học trực tuyến và tải các bài tập đọc, viết, toán từ trên mạng.

    Lorennah, Katrinnah, và Mariannah - những đứa trẻ nhỏ nhất trong nhà. Ảnh: SWNS

    Thông thường bọn trẻ sẽ kết thúc việc học hàng ngày vào gần trưa và dành toàn bộ thời gian còn lại cho các sở thích như thể thao, ballet hoặc nghệ thuật. Dần dà, theo sự trưởng thành của con, bà Harding - dù rất bận rộn vì cứ hai năm lại sinh thêm một đứa - vẫn theo sát để lên chương trình học phù hợp với con và dạy chúng cách sử dụng công cụ học tập trực tuyến.

    "Sẽ dễ dàng hơn cho các bậc phụ huynh khi vừa cho phép con mình tự do làm những điều chúng muốn, vừa để mắt quan sát xem chúng có thế mạnh ở lĩnh vực nào, để từ đó có kế hoạch phát triển phù hợp", bà nói.

    Những đứa trẻ nhà Harding cũng không theo lịch kiểm tra trình độ tiêu chuẩn ở Alabama - nơi gia đình họ đang sinh sống. "Chúng tôi thích thế. Tôi không cần chính phủ phải chỉ cho biết điều gì là cần thiết cho con mình". Họ cũng tự quyết thời điểm nào thì bọn trẻ sẽ rời phổ thông để vào đại học.

    Người mẹ cho biết, bà sẽ nộp đơn cho con vào đại học một khi thấy con đáp ứng được điểm số tối thiểu của bài thi. Các trường đại học ở Mỹ cho phép học sinh ghi danh sớm, không nhất thiết đợi đến tuổi tốt nghiệp trung học theo truyền thống. Các em chỉ cần tham dự các kỳ thi chuẩn hóa SAT (còn gọi là SAT 1) và ACT với điểm số đủ được các trường chấp nhận. Nhà Harding không cần con phải đạt điểm cao ở các kỳ thi đầu vào. Và những đứa trẻ nhà Harding thường tốt nghiệp đại học ở tuổi 15-16.

    Hiện tại, nhiều trong số các con họ đã trở thành bác sĩ, kiến trúc sư, luật sư, nhà thiết kế tàu vũ trụ. Người con thứ sáu Seth Harding trở thành luật sư trẻ nhất Alabama ở tuổi 19 sau khi anh hoàn thành chương trình cử nhân Luật và vượt qua các kỳ kiểm tra chuyên môn vào năm ngoái.

    Người con thứ sáu - Seth Harding - bên cạnh chị gái Serennah. Ảnh: SWNS.

    Bà Harding khẳng định những đứa con của mình "không phải thiên tài" và thành công của chúng là do học tại nhà hiệu quả hơn so với tới trường.

    "Giáo dục tại nhà vô cùng hiệu quả và bất cứ ai cũng có thể làm được điều này. Quan trọng là người làm cha mẹ có sẵn sàng tiêu tốn thời gian, có ưu tiên giáo dục cho trẻ trên tất thảy hay không. Gia đình tôi không hề giàu có, chỉ là tôi nguyện hy sinh để có thời gian tự mình dạy dỗ con cái. Khi bạn nuôi dưỡng con trong môi trường tự học, chúng sẽ dần trở nên thích nghi với thói quen này trong quá trình lớn lên.

    Tất cả chúng đã và đang làm việc vô cùng chăm chỉ, đó cũng là lý do tạo nên những thành quả to lớn mỗi ngày - điều mà tôi tự hào hơn cả.

    Bây giờ chỉ còn Thunder và Lorennah đang học đại học, chúng tôi cuối cùng cũng đã có thể dành nhiều thời gian hơn cho bản thân. Đó là một hành trình gian khổ nhưng chúng tôi sẽ không thay đổi quyết định của mình nếu như được lựa chọn thêm một lần nữa", bà nói.

    Chu Nhung (Theo The Times)/vnexpress

    Viết bình luận

    Chú ý: Không sử dụng các mã lệnh HTML!