Nhà giáo thời Công nghệ 4.0

    0
    1182

    Từ xưa đến nay, với truyền thống hiếu học và “ tôn sự trọng đạo”, vị trí, vai trò của người thầy giáo và nghề dạy học luôn được nhân dân ta tôn vinh và đề cao.

    Nhân loại đã trải qua 3 cuộc cách mạng công nghiệp trong hơn 300 năm qua và đang đứng trước ngưỡng cửa của cuộc cách mạng 4.0. Đây là cuộc cách mạng đã, đang và sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến tất cả các lĩnh vực trong đời sống, trong đó có giáo dục.

    Cho dù xã hội có phát triển hiện đại đến mức nào thì tất cả các công cụ cũng không thể thay thế được vị thế của người thầy trong nghề dạy học. Chủ thể chính quyết định sự thành công đối với sứ mệnh cao cả vì lợi ích trăm năm “trồng người” là những thầy giáo, cô giáo. Bác Hồ đã từng khẳng định: “Nhiệm vụ thầy giáo rất vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… Không có giáo dục thì nói gì đến kinh tế, văn hóa”.

    Ngày nay, trong thời đại hội nhập quốc tế sâu rộng, tất cả các ngành kinh tế và xã hội đều chịu tác động lớn, ảnh hưởng căn bản đến cấu trúc và sự phát triển. Nền giáo dục của Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển và hội nhập nhưng cũng đang trước nhiều thách thức không nhỏ. Để tận dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong giáo dục theo xu thế của thời đại mới, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường đã tác động lên mọi mặt của đời sống xã hội, thì đòi hỏi mỗi nhà giáo phải nâng tầm mình lên ở nhiều phương diện để thích nghi, đáp ứng với yêu cầu của nhiệm vụ giáo dục.

    Học sinh Trường THCS-THPT Nam Việt. (Ảnh: Website nhà trường)

    Để thực hiện mục tiêu chung của giáo dục phổ thông hiện nay nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam về “đức, trí, thể, mỹ”; phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý dạy và học trực tuyến, qua Internet, truyền hình, các hoạt động xã hội, ngoại khoá, nghiên cứu khoa học; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội nhằm giúp học sinh có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế, để xứng đáng là “người kỹ sư tâm hồn” trong thời đại công nghiệp 4.0, mỗi thầy cô chúng ta hãy nghĩ đến các yếu tố sau: “Dạy chữ” phải đi đôi với “dạy người” vì đạo đức là gốc của mỗi con người; để dạy một phải biết mười; Người thầy không chỉ có kiến thức về mọi lĩnh vực, đặc biệt về lĩnh vực mình đảm trách mà còn phải có phương pháp tổ chức quá trình học của người học; không ngừng năng động, đổi mới, sáng tạo trong phương pháp giáo dục và dạy học trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại và bùng nổ; lấy người học làm trung tâm, người thầy là chiếc cầu nối hữu hiệu, người giáo dục, hướng dẫn chuẩn mực, chu đáo và sâu sắc, hướng dẫn cho học sinh cách tự học, tự tìm kiếm kiến thức bằng suy nghĩ, hành động, để trau dồi, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong cuộc sống của các em sau này.

    Đặc biệt, thực tiễn phát triển xã hội trong nền kinh tế thị trường hiện nay, những mặt trái của xã hội đang tác động không nhỏ đến người thầy, không vì cái lợi trước mắt, những bon chen tầm thường của cuộc sống hàng ngày mà quên đi thiên chức lớn lao, trọng trách, sứ mệnh “trồng người”, nên mỗi thầy cô chúng ta luôn thực sự là tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo; mãi mãi là tấm gương sáng cho học sinh noi theo.

    Nhà Giáo - Doanh nhân Nguyễn Đức Quốc

    Viết bình luận

    Chú ý: Không sử dụng các mã lệnh HTML!