• Trang chủ
  • Học sinh Trung Quốc chơi nhiều hơn sau khi 'thoát' học thêm

    Học sinh Trung Quốc chơi nhiều hơn sau khi 'thoát' học thêm

    0
    241

    Sau giờ học, thay vì bận rộn với các lớp gia sư, Li Yueheng có nhiều thời gian ngủ hơn, thậm chí giảm cân nhờ các hoạt động ở trường.

    Li Yueheng, 10 tuổi, học sinh tiểu học ở thành phố Bắc Kinh, từng có ít nhất một lớp học thêm tiếng Trung, Toán và tiếng Anh mỗi tuần. Nhưng những lớp học này hiện đã dừng hoạt động do các biện pháp gần đây của chính quyền Trung ương nhằm kiềm chế ngành công nghiệp dạy thêm.

    Lu Junchen, mẹ Li, kể không phải học thêm, con trai có nhiều thời gian ngủ hơn, thậm chí giảm cân do tăng cường vận động, thể dục. Li không thích học kèm và thường phàn nàn việc đó.

    "Tôi không muốn nhìn con mệt mỏi, chán nản, nhưng áp lực và sự lo lắng đã buộc phụ huynh và học sinh vào một cuộc đua bất tận bằng cách tham gia càng nhiều khóa học gia sư càng tốt", Lu nói.

    Học sinh trượt patin hôm 16/11 tại trường Tiểu học Xinxiguan, thành phố Hình Đài, Hà Bắc. Các em có một số lựa chọn tham gia hoạt động ngoại khóa như viết thư pháp, các môn thể thao và nhảy, nhằm tăng cường sức khỏe thể chất. Ảnh: Xinhua

    Hồi tháng 7, Trung Quốc có những biện pháp siết chặt dạy thêm. Các trường cũng được yêu cầu giảm số lượng và độ khó của bài tập về nhà, cải thiện chất lượng dạy học trên lớp và các dịch vụ sau giờ học nhằm đáp ứng nhu cầu học sinh. Lu ủng hộ những động thái này của chính phủ.

    "Sức khỏe tốt và ngủ đủ giấc là điều quan trọng nhất đối với học sinh tiểu học, còn kết quả học tập phải đứng thứ hai", cô nói.

    Không có các buổi học thêm, thời gian rảnh rỗi của Li được lấp đầy bằng các hoạt động sau giờ học do trường tổ chức.

    Cao Qixuan, học sinh lớp 5 ở Bắc Kinh, hiện cũng dành nhiều thời gian hơn trong học kỳ này để phát triển các kỹ năng như ca hát, bóng rổ và lập trình. Zhang Jingli, mẹ của Cao, quan tâm tới sự phát triển toàn diện của con trai và muốn cậu khám phá những sở thích thực sự.

    Trường Tiểu học Thực nghiệm số 2 Bắc Kinh từ lâu đã cung cấp các hoạt động sau giờ học miễn phí cho học sinh nhưng học kỳ này, số lượng các em tham gia tăng lên hơn 90%. Hai giờ hoạt động sau giờ học mỗi ngày trong tuần gồm các nhóm sở thích, câu lạc bộ, tập thể dục, dạy kèm học tập và hướng dẫn bài tập về nhà. Các chương trình này nhận được phản hồi tích cực từ phụ huynh và học sinh.

    Hoạt động sau giờ học không chỉ hỗ trợ học sinh hoàn thành bài tập ở trường mà còn giúp gia đình tiết kiệm được khoản tiền phải chi cho học thêm ở các cơ sở tư nhân.

    Theo bà Su Hui, hiệu phó nhà trường, không có các lớp học kèm, học sinh có thể dành nhiều thời gian hơn cho việc đọc và tập thể dục. Học tập là một hành trình suốt đời và điều quan trọng là phát triển tinh thần và thói quen tự học của học sinh.

    Đồng tình với quan điểm trên, bà Luo Lin, hiệu phó trưởng trường Thực nghiệm Phong Đài, thuộc Viện Giáo dục Bắc Kinh, cho hay chìa khóa để giảm gánh nặng học tập quá mức của học sinh là nâng cao hiệu quả giáo dục ở trường và trau dồi khả năng học tập độc lập của các em.

    Nhiều phụ huynh làm mọi cách để ngăn con mình học trường nghề, vì tin rằng giáo dục hướng nghiệp kém hơn đại học. Nhưng bà Luo nói rằng sự kỳ thị ấy đã đặt nhầm chỗ. Khi đất nước chú trọng hơn vào phát triển giáo dục nghề nghiệp, sinh viên tốt nghiệp từ các trường dạy nghề sẽ thực sự có triển vọng tốt hơn và việc đi học tại trường dạy nghề có thể trở thành một lựa chọn phổ biến.

    Bình Minh (Theo China Daily)/vnexpress

    Viết bình luận

    Chú ý: Không sử dụng các mã lệnh HTML!