• Trang chủ
  • Giả thiết nguyên nhân tỷ lệ F1 thành F0 tại Hà Nội tăng

    Giả thiết nguyên nhân tỷ lệ F1 thành F0 tại Hà Nội tăng

    0
    215

    Phát hiện F0 chậm dẫn tới nhiều F1 bị lây nhiễm, hoặc có thể F1 nhiễm chéo từ khu cách ly... dẫn đến tỷ lệ F1 trở thành F0 ở thủ đô tăng gấp đôi so với trước, theo các chuyên gia.

    Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh hôm 19/11 cho hay tỷ lệ F1 thành F0 hiện nay ở thành phố lên đến 13%, gấp đôi giai đoạn từ đầu dịch đến cuối tháng 10 (khoảng 7%). Cụ thể, từ ngày 11/10 đến 17/11, Hà Nội ghi nhận 8.630 F1, trong đó có 1.134 trường hợp chuyển thành F0.

    Nhận định về con số 13%, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho rằng tỷ lệ này cao so với trước đây do nhiều nguyên nhân.

    Thứ nhất, có khả năng nhà chức trách đánh giá F1 sát hơn nên số F1 dương tính nhiều hơn. Thứ hai, vấn đề phát hiện F0 chậm dẫn tới F1 bị lây nhiễm và trở thành F0 nhiều hơn. Thứ ba, cần xem xét khả năng F1 bị lây từ F0 ở cộng đồng hay khu cách ly tập trung khi mà khu cách ly bị quá tải. Cuối cùng là ý thức chủ quan của người dân, đặc biệt người đã tiêm vaccine Covid-19, không thực hiện tốt 5K dẫn đến tỷ lệ lây nhiễm tăng.

    "Các giả thiết trên cần có đánh giá nghiên cứu cụ thể để tìm ra được nguyên nhân chính xác", chuyên gia cho hay.

    PGS TS Nguyễn Việt Hùng (Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội), nhìn nhận F1 bị lây từ F0 ở cộng đồng hoặc khu cách ly tập trung là nguyên nhân hàng đầu khiến tỷ lệ lây lan nhanh. Trong đó, chính là vấn đề quản lý tại các khu cách ly, dễ xảy ra lây nhiễm chéo. Ông nhận định thực tế này khó tránh khỏi, nhất là F1 chung một gia đình cách ly cùng nhau, việc quản lý chặt bên trong là điều rất khó.

    Người dân đứng quét mã QR Code khai báo y tế tại cổng làng Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, sáng 18/11. Ảnh: Phạm Chiểu

    Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ ngày 4/11, số ca nhiễm tại thành phố liên tục ghi nhận hơn 100 ca một ngày, nhiều ngày ghi nhận hơn 200 đến gần 300 ca.

    Thành phố Hà Nội đến nay đã tiêm trên 11,2 triệu mũi vaccine Covid-19, trong đó tiêm mũi một 6,1 triệu (đạt 93,5% dân số từ 18 tuổi trở lên và 70,3% tổng dân số); tiêm mũi hai 5,1 triệu (đạt 79% dân số từ 18 tuổi trở lên và 59,4% tổng dân số). Với dân số trên 50 tuổi, tỷ lệ tiêm mũi một là 82,4%, mũi hai 69,5%, theo lãnh đạo UBND thành phố trả lời hôm 19/11.

    Theo ông Phu, nhà chức trách cần thống kê cụ thể về tỷ lệ người nhiễm sau tiêm vaccine và chưa tiêm, tỷ lệ triệu chứng nặng, tử vong... để có cách đáp ứng phù hợp.

    Từ ngày 16/11, Hà Nội triển khai thí điểm cách ly F1 tại nhà. Ông Phu cho rằng đây là điều nên làm để giảm tải F1 tại các khu cách ly tập trung, từ đó giảm nguy cơ lây nhiễm chéo, đồng thời giúp F1 bị cách ly đỡ tốn kém, người cách ly không bị ảnh hưởng nặng nề về tâm lý. Nhiều hộ dân Hà Nội đủ điều kiện, đủ cơ sở vật chất để cách ly ở nhà. Hệ thống y tế cơ sở và chính quyền từ thôn, xóm, tổ dân phố đủ năng lực, có thể giám sát, theo dõi người cách ly.

    Giải pháp cách ly F1 tại nhà cũng được Phó giáo sư Hùng đồng tình. Ông cho rằng xuất hiện ổ dịch, tỷ lệ F1 chuyển thành F0 tăng trong tình huống "sống chung với Covid-19" là điều đã được dự đoán. Cách ly F1 tại nhà với những trường hợp đủ điều kiện là giải pháp hiệu quả để giảm tỷ lệ F1 bị lây từ F0 ở cộng đồng hoặc khu cách ly tập trung, khi khu cách ly bị quá tải.

    "Ý thức của người dân vẫn phải đặt trên hết", ông Phu nhấn mạnh trước bối cảnh Hà Nội ghi nhận nhiều ổ dịch phức tạp, số ca cộng đồng tăng cao. Ông khuyến cáo người dân "sống chung an toàn", thích ứng linh hoạt, luôn luôn thực hiện 5K để đảm bảo an toàn cho chính mình và cộng đồng.

    Thúy Quỳnh/vnexpress

    Viết bình luận

    Chú ý: Không sử dụng các mã lệnh HTML!