• Trang chủ
  • Cất cao giọng khi hát karaoke, "ca sĩ" vỡ mạch máu não

    Cất cao giọng khi hát karaoke, 'ca sĩ' vỡ mạch máu não

    0
    260

    Đang cất cao giọng theo làn điệu của bài hát, nữ bệnh nhân bất ngờ choáng váng, đau đầu dữ dội. Tại bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán, bà bị vỡ mạch máu não phải mổ để giữ lại sinh mạng.

    Ngày 2/6, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Quốc tế SIS Cần Thơ cho biết, tại đây vừa tiếp nhận và điều trị cho một trường hợp bị vỡ mạch máu não rất nặng. Bệnh nhân là bà N.T.V. (66 tuổi, ngụ tại tỉnh Bạc Liêu) được gia đình chuyển đến cấp cứu.

    Túi phình mạch máu não của bệnh nhân đã bị vỡ khi huyết áp tăng cao (hình bên trái)

    Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ phía gia đình ghi nhận, bà T.V. có tiền sử bị tăng huyết áp nhưng không tuân thủ điều trị. 3 ngày trước đó, bà đang ngồi hát karaoke tại nhà thì lúc cất cao giọng bất ngờ bị đau đầu, choáng váng. Gia đình đã đưa đến bệnh viện địa phương điều trị nhưng không thuyên giảm nên tiếp tục chuyển đến Bệnh viện SIS trong tình trạng đau đầu, nôn ói nhiều.

    Các bác sĩ đã thăm khám và chụp CT tìm nguyên nhân, thì phát hiện người bệnh bị xuất huyết khoang dưới nhện do vỡ túi phình mạch máu não. Sau hội chẩn, ê kíp đã quyết định phẫu thuật khẩn cho người bệnh.

    BS Nguyễn Quang Hưng, Trưởng đơn vị Ngoại Thần kinh, trực tiếp mổ cho bệnh nhân chia sẻ: “Bệnh nhân đã may mắn, khi vị trí mạch máu bị vỡ có lớp xơ vữa quá dày nên tự cầm máu được tạm thời đã kéo dài thêm sự sống. Chúng tôi đã phẫu thuật kẹp cổ túi phình cầm máu đồng thời lấy máu tụ đã chảy ra xung quanh túi phình và bảo tồn được các mạch máu lân cận”.

    Sau phẫu thuật, sức khỏe của người bệnh đang bình phục tốt, bà may mắn không bị yếu liệt

    Sau 5 ngày mổ sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, phục hồi tốt, bớt đau đầu, không yếu liệt. Vượt qua “cửa tử” bà vui vẻ tâm sự: “Tôi ở nhà nuôi ông xã bệnh, chồng tôi cũng thích ca hát nên kêu tôi ca cho đỡ buồn. Đam mê nên đi đám tiệc nào tôi cũng đăng ký tiết mục văn nghệ. Bữa đó, tôi hát ca cổ nhưng đang hát thì nghe trong đầu nổ bụp một tiếng giống như đập trái dừa khô, xong là mặt mũi tối sầm luôn”.

    Theo nhận định của BS Hưng, túi phình của bệnh nhân có thể đã xuất hiện khoảng 1 năm trước bởi kích thước của túi phình rất lớn. Khi bệnh nhân gắng sức để lên cao giọng khi hát ở những đoạn cao trào dẫn đến huyết áp tăng lên, lưu lượng máu dồn lên quá nhiều vượt quá giới hạn của túi phình khiến túi phình bị vỡ”.

    Qua trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo, ở những bệnh nhân tuổi trung niên có tăng huyết áp, đau đầu, sụp mi, cứng gáy… cần nên đi tầm soát phình mạch máu não ít nhất một lần bằng MRI mà tối ưu nhất là MRI 3 Tesla.

    Theo Vân Sơn (Tiền Phong)

    Viết bình luận

    Chú ý: Không sử dụng các mã lệnh HTML!