Mỗi yêu quái phim "Tây du ký" 1986 được đại diện bởi màu khói khác nhau.
Từ đầu hè đến nay, ông Vương Sùng Thu, 78 tuổi, nhận nhiều sự chú ý của khán giả khi sử dụng mạng xã hội để giao lưu khán giả, tiết lộ hậu trường phim. Dịp hè, ông tới nhà Lưu Lễ - người phụ trách tạo khói, cảnh cháy nổ của Tây du ký - hàn huyên.
Trên Weixin, ứng dụng tin nhắn, truyền thông xã hội phổ biến, Vương Sùng Thu kể Lưu Lễ gia nhập đoàn phim năm 1983, là công thần của tác phẩm chuyển thể tiểu thuyết thần thoại. Đạo diễn Dương Khiết từng đưa nhiều bài toán khó cho Lưu Lễ, ông đều hoàn thành theo ý đồ đạo diễn.
Tây du ký có hơn 1.000 cảnh quay cần khói, lửa, cháy nổ, quy mô chưa từng có tính tới bấy giờ. Lượng carbon dioxide và đá khô đoàn phim sử dụng lớn hơn lượng tất cả phim ảnh Trung Quốc sử dụng nhiều năm trước đó. Tổng cộng, Lưu Lễ dùng 2.325 bình lớn carbon dioxide và 3.150 kg đá khô.
Vì thiếu đạo cụ, nguyên liệu, Lưu Lễ mày mò, chế tạo hơn 10 loại khói cùng máy tạo sương, khói. Nhiều hôm, người ông phủ kín bột màu, bụi. Lưu Lễ không chỉ sử dụng một màu khói trắng mà để mỗi loại yêu quái xuất hiện với màu khói khác nhau, tạo sự phong phú, kỳ ảo cho nhân vật. Chẳng hạn, ở phần Ba lần đánh Bạch Cốt Tinh, khi Hắc Hồ Tinh xuất hiện, Lưu Lễ sử dụng khói màu đen. Ở phần Đại chiến Hồng Hài Nhi, ông dùng khói màu đỏ đại diện cho nhân vật.
Khi thực hiện cảnh Bạch Long bay lên từ mặt biển ở tập năm, Lưu Lễ bố trí hai gói thuốc nổ đặt dưới độ sâu 40 cm so với mặt nước, sau đó cho phát nổ, tạo hiệu ứng luồng khói trắng. Hình ảnh Bạch Long bay vút lên được thêm ở hậu kỳ. Ở tập miêu tả Hỏa Diệm Sơn, Lưu Lễ tạo hiệu ứng núi lửa cháy ngùn ngụt từ sợi vải, xăng và súng phun lửa.
Công việc của Lưu Lễ nguy hiểm nhất đoàn phim, quan điểm của ông là: "An toàn số một, hiệu quả số hai". Phần lớn thành viên đoàn phim chưa từng tiếp xúc ngòi nổ, thuốc nổ, vì thế hậu quả khôn lường nếu xảy ra sự cố. Đoàn phim lại di chuyển nhiều, đường gập ghềnh. Cho dù đi tới đâu, Lưu Lễ đều yêu cầu một xe và một phòng riêng để bảo quản thiết bị phục vụ cảnh khói, cháy nổ. Nhiều địa điểm quay là danh lam thắng cảnh, khu du lịch, mỗi nơi, ông đều nhắc đi nhắc lại việc phòng tránh hỏa hoạn.
Điều kiện làm việc thiếu thốn nhưng Lưu Lễ được tự do sáng tạo. Ngoài công việc chuyên môn, ông còn đóng một số vai nhỏ khi đoàn phim thiếu người, chẳng hạn ở phần Truyền nghệ Ngọc Hoa Châu, Tôn Hầu xảo hành y.
Vương Sùng Thu cho biết vì "bệnh nghề nghiệp", đời thường, Lưu Lễ cũng cẩn trọng, tỉ mỉ từng chi tiết. Ông ghi chép những lần tạo khói, cháy nổ của mình trong một cuốn sổ và giữ chúng cho tới nay. Năm 2019, tờ Buổi tối Bắc Kinh đăng cuốn Xin hỏi đường ở nơi nào của Dương Khiết theo kỳ, Lưu Lễ cắt từng bài đăng và dán thành một tập riêng, làm Vương Sùng Thu cảm động. Ông nói: "Năm tháng đó là hồi ức đẹp của chúng tôi, cũng là một phần tâm hồn ông Lưu".
Tây du ký khởi quay năm 1982 và chiếu lần đầu năm 1986, do Dương Khiết (1929-2017) đạo diễn, Vương Sùng Thu quay phim cùng dàn diễn viên chính Lục Tiểu Linh Đồng, Mã Đức Hoa, Trì Trọng Thụy, Từ Thiếu Hoa... Trong bối cảnh giao thông, vận chuyển chưa thuận lợi, đoàn phim ghi hình tại nhiều nơi nơi hiểm trở như Hỏa Diệm Sơn ở Tân Cương, rừng sâu ở Cát Lâm, thác ở Cửu Trại Câu, chùa trên vách núi ở tỉnh Sơn Tây... Dù kỹ xảo thô sơ, Tây du ký thành tác phẩm kinh điển, giữ kỷ lục phim được phát lại nhiều lần nhất ở Trung Quốc - hơn 3.000 lần. Trên Xinhua, đạo diễn Dương Khiết từng nói tác phẩm thành công bởi "êkíp quay phim vì nghệ thuật, không làm vì tiền, vì danh hay lợi". Sau khi Dương Khiết qua đời năm 2017, ông Vương Sùng Thu miệt mài với các công việc như viết sách, làm video giải đáp thắc mắc của khán giả, ghi hình chương trình truyền hình... |
Nghinh Xuân/vnexpress