Doanh nhân Nguyễn Mạnh Duy đã trở thành công dân Việt Nam đầu tiên đặt chân lên đỉnh Manaslu ở độ cao 8.163 m, ngọn núi cao thứ 8 thế giới, vào ngày 22-9 - một kỳ công mang dấu ấn lịch sử của cộng đồng leo núi Việt Nam
Thông tin này được ông Rajendra Dhakal, cán bộ liên lạc của Chính phủ Nepal, xác nhận từ báo cáo của Hiệp hội Leo núi Nepal và từ Bộ Du lịch Nepal, đơn vị cấp phép leo núi. Chuyến đi khá đông với những người leo núi đủ mọi quốc tịch như Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức, Áo, Úc…, duy nhất Nguyễn Mạnh Duy là người Việt Nam.
Chuẩn bị kỹ lưỡng
Dãy Himalaya linh thiêng, hùng vĩ cùng nền văn hóa Tây Tạng đặc sắc luôn ẩn chứa một sự thu hút đến lạ kỳ đối với những nhà mạo hiểm, trong đó có Nguyễn Mạnh Duy - một cựu phóng viên thể thao hiện sinh sống tại Hà Nội. Anh chuyển sang kinh doanh đã hơn 10 năm, chủ yếu là các vật phẩm tâm linh, thiết kế các không gian văn hóa Tây Tạng, đồng thời thành lập Công ty Du lịch Himalayas Adventure chuyên tổ chức các tour du lịch mạo hiểm tại "xứ sở của các ngọn núi".
Công việc gắn với miền đất linh thiêng và hoang dã vùng Nam Á, thế nên Duy cùng bạn bè của anh dần bị các ngọn núi huyền bí và đầy quyến rũ mê hoặc. Anh bắt đầu hành trình trekking, khám phá những ngọn núi xung quanh cao nguyên Tây Tạng với mục tiêu cuối cùng là chinh phục ngọn núi Everest cao 8.848 m.
Để chuẩn bị cho hành trình thám hiểm "nóc nhà của thế giới" vào mùa xuân năm 2025, Duy bắt đầu tập luyện bằng những chuyến leo núi tuyết như chinh phục đỉnh Ama Dablam (cao 6.812 m) vào tháng 3 và đỉnh Manaslu (cao 8.163 m) vào đầu tháng 9. Đồng hành với Duy trong suốt quá trình này là Temba Bhote, một nhà leo núi kiêm hướng dẫn viên chuyên nghiệp nổi tiếng với biệt danh "Himalayan Sherpa" từng 10 lần chinh phục đỉnh Everest và với riêng Manaslu, đây là lần thứ 6 ông lên đỉnh.
Hiểm nguy rình rập
Manaslu, xuất phát từ tiếng Phạn "Manasa", có nghĩa là trí tuệ hoặc linh hồn. Núi Manaslu nằm ở phần trung tâm phía Tây của Nepal, tại các làng Thoche, Dharapani và Samagaun thuộc 2 quận Manang và Gorkha.
Đối với những ngọn núi cao trên 8.000 m, những đoàn leo núi phải thực hiện một công việc dù rất buồn tẻ nhưng nhất định không thể thiếu, đó là leo xoay vòng. Thông thường, từ base camp (trại chính), người leo phải di chuyển lên camp 1 (trại 1) hoặc camp 2 rồi vòng xuống base camp, cũng có người lên đến camp 3, thậm chí gần camp 4 mới quay trở về base camp để cơ thể thích nghi với độ cao trước khi tiến vào ngưỡng chết - khu vực trên 8.000 m. Quá trình ấy có thể mất từ 7 - 10 ngày.
Từng nhiều lần khám phá dãy Himalaya, Temba Bhote đề xuất với Duy một kế hoạch khá mạo hiểm, đó là summit (lên đỉnh) mà không trải qua quá trình leo xoay vòng để thích nghi độ cao, đi thẳng từ base camp lên đến đỉnh núi. Dù chưa có kinh nghiệm summit các đỉnh núi trên 8.000 m cũng như không biết cảm giác sẽ thế nào nếu không xoay vòng, Duy vẫn quyết định thử sức theo gợi ý của hướng dẫn viên.
Không bỏ cuộc
Xuất phát từ ngày 13-9, đoàn mất 4 ngày để đi đến base camp, nơi đón tiếp gần 400 người leo núi từ khắp nơi trên thế giới tụ hội về trong năm để thử sức lên đỉnh. Nghỉ ngơi 2 ngày tại đây, đến ngày 19-9, đoàn bắt đầu lên cao hơn, lần lượt vượt qua 4 trại 1, 2, 3 và 4 ở các độ cao 5.800 m, 6.200 m, 6.800 m và 7.400 m.
Càng lên cao, lượng ôxy càng ít đi, người leo núi sẽ càng khó thở, chưa kể dốc cao, nhiều tuyết và bị hiện tượng "say độ cao" AMS hành hạ. "Chặng đường từ camp 4 lên đỉnh là khó khăn nhất và người leo núi thường bỏ cuộc ở khoảng hơn 600 m này. Bản thân tôi hàng chục lần muốn dừng lại. Trải qua 3 giờ dưới điều kiện thời tiết rất xấu, mưa tuyết rơi dày đến tận bắp chân, tôi bắt đầu thấm "đòn" độ cao vì không leo quay vòng. Đi xuyên đêm đến khoảng 10 giờ, đặc biệt khi vượt qua ngưỡng 8.000 m, tôi thực sự kiệt sức. Khoảng 50 m cuối cùng, dù đã nhìn thấy đỉnh, ý định bỏ cuộc vẫn còn xuất hiện. Temba Bhote khuyên tôi nên quay về từ trước đó 2 giờ nhưng với ý chí quyết tâm, chúng tôi động viên nhau tiếp bước. Lết từng chút một với bộ đồ leo núi nặng trĩu, tôi đã mất khoảng 30 - 45 phút để vượt qua độ cao khoảng 50 m ấy. Cuối cùng, tôi chính thức chạm tay vào cái chóp nhỏ xíu với lá cờ Nepal bay phấp phới trên đỉnh núi vào lúc 14 giờ 52 phút ngày 22-9" - Duy kể qua điện thoại từ Nepal.
Đứng trên đỉnh Manaslu, Duy và Temba chỉ có 5 phút chiêm ngưỡng dãy Himalaya hùng vĩ phủ tuyết trắng, xa xa là đường chân trời hình vòng cung tuyệt diệu. Họ cùng nhau chụp vài bức ảnh kỷ niệm tại đỉnh cao 8.163 m rồi nhanh chóng xuống núi, cố gắng thoát khỏi lằn ranh sinh tử càng sớm càng tốt. Chặng xuống cũng khá gian nan, di chuyển liên tục trong 6 - 7 giờ chỉ hạ được khoảng 500 m độ cao nhưng sau cùng cả hai vẫn an toàn.
Sự kiện này đánh dấu một cột mốc quan trọng cho cả 2 nhà leo núi và cộng đồng thám hiểm trên thế giới. Thành công của Duy là niềm tự hào cho Việt Nam trong lĩnh vực thể thao mạo hiểm.
Cao thứ 8 trên thế giới, đỉnh Manaslu còn được biết đến với danh xưng "ngọn núi tử thần" bởi địa hình hiểm trở bao gồm sườn dốc, những rặng núi sắc nhọn, khe nứt nguy hiểm và quanh năm bị bủa vây bởi thời tiết khắc nghiệt. Dù vậy, nhờ những rặng núi dài và chuỗi thung lũng băng giá, Manaslu vẫn có sức thu hút khó cưỡng đối với những nhà thám hiểm.
Nguồn: Người Lao Động