Nhiều chuyên gia, nhà giáo cho rằng, ngành giáo dục bị động và chịu ảnh hưởng rất lớn bởi dịch COVID-19. Các địa phương cũng có cách đóng, mở cửa trường học khác nhau ảnh hưởng đến chất lượng dạy học và tâm lý học sinh.
Hà Nội: Đa số trường học đóng cửa
Ngày 4/1, TPHCM cho học sinh lớp 7, 8, 10, 11 tới trường. Trước đó, học sinh lớp 9, 12 cũng đã học trực tiếp. Như vậy, đến thời điểm này, học sinh từ lớp 7-12 ở TPHCM đã đi học trực tiếp. Theo kế hoạch, ngoài Tết Nguyên đán, TPHCM sẽ tiếp tục mở cửa trường cho học sinh tiểu học tựu trường. Trong hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh, TPHCM cho phép trường học ở vùng có dịch mức độ 3 dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến, chỉ có vùng 4 mới học trực tuyến hoàn toàn.
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho học sinh Trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên, Bắc Giang sáng 4/1ảnh: Quốc Hưng
Trước đó, Hà Nội cho học sinh lớp 9 của 18 huyện, thị xã và học sinh lớp 12 của 30 quận, huyện đi học trực tiếp. Tuy nhiên, đến thời điểm này đã có 10 quận, huyện dừng dạy học trên lớp đối với lớp 9, 12. Riêng huyện Sóc Sơn đến thời điểm này chỉ có 1/27 trường có học sinh lớp 9 học trực tiếp. Còn lại, từ trẻ mầm non đến tiểu học, THCS, lớp 10, 11 ở các quận, huyện, học sinh phải học trực tuyến hơn 8 tháng nay. Hà Nội yêu cầu, tất cả các trường có dịch mức độ 3 đóng cửa, chuyển sang dạy học trực tuyến.
Một hiệu trưởng cho rằng, khi đã quyết định cho học sinh đi học trực tiếp, chỉ nên quyết định 1 phương thức dạy học vì nếu vẫn dạy cả trực tuyến, nhiều em vẫn lựa chọn phương án này vì lười dậy sớm đi học, ngại giao tiếp, chứ không hoàn toàn vì lý do sợ COVID-19.
Ngay tại quận Đống Đa, mặc dù dịch đã đổi màu từ vùng cam xuống vùng vàng nhưng không phải trường học nào cũng được mở cửa. Ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa), cho biết, dù đánh giá chung quận hạ mức độ dịch nhưng vẫn có một số phường có mức độ dịch ở cấp 3 nên trường học chưa thể mở cửa. “Hiện nay, học sinh đã tiêm đủ 2 mũi với tỉ lệ cao, ngành y tế nên có nghiên cứu, đánh giá và hướng dẫn để nếu có thể cho phép toàn bộ học sinh từ lớp 10-12 đi học trực tiếp”, ông Nhâm nói.
Ở nhà cũng có nguy cơ lây nhiễm
Bà Nguyễn Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, nói rằng, học sinh không được đến trường gần 1 năm nay, điều bà lo lắng nhất là học sinh dễ bị trầm cảm. Trong khi đó, học sinh ở nhà cũng có nguy cơ cao mắc COVID-19. Tính riêng tháng 12/2021, có 16 em nhiễm bệnh.
Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Mê Linh, ông Nguyễn Văn Hậu, nói: “Trong thời gian tới, ngành y tế cũng cần có đánh giá, xác định rõ hơn mức độ dịch để hướng dẫn ngành giáo dục có thể mở cửa trường học ổn định hơn. Bởi học sinh ở nhà cũng có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao từ người thân đi làm về, sang hàng xóm chơi…, trong khi các em đến trường đã có quy trình phòng, chống dịch bệnh chặt chẽ”.
Ông Mai Tấn Linh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng, cho biết, dù tình hình dịch tại địa phương một số nơi vẫn diễn biến phức tạp, nhưng học sinh lớp 8-12 đã được học trực tiếp. Sắp tới, địa phương sẽ tiếp tục cho học sinh lớp 7 tới trường vì tỉ lệ tiêm vắc xin đã đạt hơn 90%. Theo ông Linh, từ khi mở cửa trường học, các trường thực hiện tốt giải pháp phòng, chống dịch, do đó chưa có trường hợp F0 xuất hiện tại trường, lớp. Một số trường hợp F0 là học sinh, giáo viên phát hiện tại địa phương thì nhà trường linh hoạt xử lý theo phương thức khoanh vùng gọn từng lớp, từng cá nhân liên quan, chuyển sang dạy học trực tuyến, số còn lại học trực tiếp bình thường.
Theo Hà Linh (Tiền Phong)