Sau khi ăn phải con so biển, các nạn nhân được đưa đến cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Cô Tô trong tình trạng tê lưỡi, ngứa mặt, tê tay chân, tức ngực khó thở, chóng mặt, mạch nhanh
Ngày 16-4, thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) cho biết Trung tâm y tế huyện vừa tiếp nhận và cấp cứu cho 8 bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm do nghi ngờ ăn nhầm con so biển. Trong đó, có 3 bệnh nhân có biểu hiện nhiễm độc nặng, 5 bệnh nhân còn lại có biểu hiện nhiễm độc nhẹ.
Các nạn nhân cấp cứu tại Trung tâm y tế huyện Cô Tô. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Theo lời các nạn nhân, sau khi ăn con so biển khoảng 15 phút, họ thấy chóng mặt, tê đầu lưỡi, tê bì chân tay, tức ngực, buồn nôn và nôn ra thức ăn.
Các nạn nhân sau đó đã được đưa đến cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Cô Tô trong tình trạng tê lưỡi, ngứa mặt, tê tay chân, tức ngực khó thở, chóng mặt, mạch nhanh, ôxy giảm.
Trước tình thế khẩn cấp, các bác sĩ đã tiến hành gây nôn, rửa dạ dày bằng than hoạt tính, truyền dịch, lợi tiểu, thở ôxy qua gọng kính cho các bệnh nhân. Đến nay, 3 bệnh nhân có biểu hiện nhiễm độc nặng đã ổn định, hết tức ngực khó thở, hết tê bì chân tay, phân áp oxy bình thường, mạch huyết áp ổn định, còn mệt mỏi, choáng nhẹ.
Theo bác sĩ Phạm Tiến Dũng, Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cô Tô, con sam và con so biển nhìn bề ngoài rất giống nhau. Hình dáng, kích thước con so với con sam khó phân biệt. Đặc biệt, con so biển có chất độc tetrodotoxin, không ăn được.
Nếu người dân không phân biệt được thì sẽ rất nguy hiểm vì đôi khi chỉ ăn nhầm một chút thôi cũng đã có triệu chứng nôn, khó thở, đau bụng, dị cảm tay chân, nặng hơn là sẽ ức chế hô hấp, ngừng tim, ngừng thở, nguy hiểm đến tính mạng. Hiện nay chưa có thuốc giải độc chất tetrodotoxin.
Bác sĩ Phạm Tiến Dũng khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức của bản thân, tuyệt đối không dùng so biển làm nguyên liệu thực phẩm dưới bất kỳ hình thức nào, không ăn dù chỉ một lần. Khi phát hiện người bị ngộ độc do ăn so biển, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để sơ cứu, cấp cứu kịp thời.