• Trang chủ
  • Nhiều người Hà Nội phải làm lại căn cước công dân gắn chíp

    Nhiều người Hà Nội phải làm lại căn cước công dân gắn chíp

    0
    247

    Sau hơn nửa năm chưa được trả thẻ căn cước công dân gắn chíp, chị Huyền (phường Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng) bất ngờ được mời ra trụ sở công an khai thông tin để làm lại.

    Sáng 19/11, cư dân trong khu nhà chị Huyền truyền tay nhau một tin nhắn của cảnh sát khu vực về việc làm lại căn cước công dân gắn chíp cho người đã xong thủ tục từ tháng 1, 2, 3, 4 nhưng chưa được nhận.

    Ba người trong gia đình Huyền đều làm thẻ cuối tháng 4 khi công an quận về tận sảnh chung cư để phục vụ, nhưng bặt tin từ đó đến nay. Hơn bốn lần gọi đến công an phường hỏi về tiến độ, chị đều được trả lời "chờ thêm vài hôm sẽ có".

    Sáng nay, nhận thông báo trên, Huyền gọi lại lần nữa cho cảnh sát khu vực và được phản hồi "thuộc diện phải khai báo lại thông tin do hồ sơ bị thất lạc". Huyền muốn có lời giải thích rõ ràng về việc này song bị từ chối.

    Huyền cho hay hồi làm thủ tục, cán bộ phụ trách đã kiểm tra từng mục khai, rồi mới chuyển qua việc lăn vân tay, chụp ảnh. Trước khi ra về chị còn cẩn thận hỏi lại thì được trả lời mọi việc hoàn tất, yên tâm chờ thẻ trả đến tận nhà.

    "Giờ đây, tôi không biết do tắc trách hay hệ thống bị lỗi", Huyền thắc mắc và cho hay muốn được giải thích rõ ràng.

     

    Căn cước công dân gắn chíp hiện được tích hợp nhiều dữ liệu trong đó có thông tin về tiêm vaccine Covid-19. Ảnh: Phạm Dự

    Tạm trú tại phường Vĩnh Tuy, chị Hằng và một số thành viên trong gia đình vào tháng 4 đã làm thẻ căn cước ở đây. Giữa tháng 9, chị nhận được điện thoại của công an phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng, nơi đăng ký hộ khẩu, thông báo đến phường này khai lại thông tin làm thẻ căn cước.

    "Công an phường bảo hồ sơ công dân của tôi có thể bị thất lạc hoặc sai sót nên chưa có dữ liệu trên hệ thống. Tuy nhiên, trong tháng 4 khi làm thủ tục tôi đã kiểm tra kỹ thông tin ở tờ khai", chị Hằng nói và cho hay công an hôm đó cũng đối chiếu và xác nhận mọi việc đã xong.

    Một mình chị nhận được thông báo đến khai lại song khi đến nơi, công an phường yêu cầu 2 người còn lại trong gia đình cũng như vậy. Nhưng lần này chỉ khai thông tin, không phải lăn dấu vân tay và chụp ảnh.

    Chị Hằng cho rằng không có sự nhất quán về thủ tục, quy trình. Từ đầu năm, nhà chị được thông báo có thể đến nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú, với tiêu chí tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân. Tuy nhiên sau 7 tháng làm tại nơi tạm trú, chị lại nhận được thông báo phải về lại nơi có hộ khẩu để khai báo thông tin.

    Những người trong tình cảnh như chị Huyền, chị Hằng không phải là ít. Hầu hết đều lo lắng cho "số phận" thẻ căn cước của mình khi nhiều tháng không có tin tức mà chỉ biết chờ đợi.

    Anh Dũng ở phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa làm căn cước 8 tháng vẫn chưa nhận được trong khi hai người trong gia đình làm cùng ngày đã được gửi về tận nhà từ lâu. Chiều 16/11, cảnh sát khu vực gọi điện thông báo hồ sơ của anh bị thiếu ngày, tháng sinh cần khai báo lại. Đến công an phường, anh phải đính chính ngày, tháng, năm sinh và chụp ảnh, lăn vân tay lại.

    Công an quận Long Biên làm căn cước công dân trên xe buýt. Ảnh: Giang Huy

    Chiều 19/11, đại tá Nguyễn Hồng Ky, Phó giám đốc Công an thành phố Hà Nội, cho VnExpress biết "không có chuyện thất lạc hay mất dữ liệu". Những người được công an khu vực đề nghị khai báo lại là do sai tên tuổi, địa chỉ, ngày tháng năm sinh. "Thậm chí một dấu chấm, dấu phẩy hay sai "L" với "N" hệ thống cũng không nhận nên cảnh sát phải mời công dân ra để xác minh lại", ông giải thích.

    Theo ông, một khó khăn nữa là hiện nay nhiều người liên tục thay đổi nơi cư trú, tạm trú. Ví dụ, thời điểm làm căn cước họ tạm trú ở một nơi, thường trú ở một nơi nhưng khi dữ liệu nhập lên hệ thống thì đã chuyển nơi khác. Vì thế, hệ thống sẽ không nhận dữ liệu khi thông tin không khớp.

    Đầu tháng 10, trả lời câu hỏi về việc nhiều người chưa được nhận thẻ căn cước công dân, đại diện Bộ Công an từng nói Covid-19 ảnh hưởng đến ngành công nghiệp sản xuất chíp điện tử trên thế giới. Việt Nam phải nhập khẩu chíp nên khi các nước rơi vào khủng hoảng sẽ tác động lớn đến tiến độ sản xuất thẻ.

    Giữa tháng 10, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) cho biết Bộ Công an đã trả hơn 50 triệu thẻ cho người dân so với trên 55 triệu hồ sơ đã thu nhận.

    Dự án sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân được Thủ tướng phê duyệt đầu tháng 9/2020 với tổng đầu tư 2.800 tỷ đồng, gồm các hạng mục xây dựng trung tâm thu nhận dữ liệu, sản xuất thẻ căn cước gắn chip điện tử; hệ thống hạ tầng, thiết bị cho công an trên toàn quốc.

    Ngày 1/1, công an toàn quốc bắt đầu thu nhận cấp thẻ căn cước cho công dân từ 14 tuổi. Từ tháng 3, Bộ Công an dự kiến đến ngày 1/7, toàn quốc sẽ hoàn tất việc cấp căn cước công dân gắn chip cho 50 triệu công dân, ưu tiên 10 tỉnh, thành gồm: Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Dương, Thanh Hóa, Nghệ An, Bắc Ninh.

    Theo Điều 25 Luật Căn cước công dân, tại các thành phố, thị xã, trong thời hạn 7 ngày làm việc, công an phải trả căn cước cho người dân khi cấp mới, cấp đổi. Người dân có thể làm ở nơi tạm trú và thường trú; có thể nhận thẻ trực tiếp tại nơi làm thủ tục hoặc qua đường bưu điện gửi về nơi ở.

    Phạm Dự/vnexpress

    Viết bình luận

    Chú ý: Không sử dụng các mã lệnh HTML!