• Trang chủ
  • Nhiều bệnh viện TP HCM chưa tăng giá khám chữa dịch vụ

    Nhiều bệnh viện TP HCM chưa tăng giá khám chữa dịch vụ

    0
    94

    Nhiều bệnh viện TP HCM giữ nguyên giá khám chữa bệnh dịch vụ, dù Bộ Y tế cho phép điều chỉnh tối đa mỗi lượt khám 500.000 đồng, tiền giường nằm 4 triệu đồng.

    Bệnh viện Lê Văn Thịnh - hạng một, thuộc Sở Y tế TP HCM, có số giường dịch vụ chiếm khoảng 15% tổng số - vẫn áp dụng giá dịch vụ như cũ, với mức cao nhất là 1,2 triệu đồng cho phòng một giường. Giá khám dịch vụ thông thường là 150.000 đồng, cao nhất là 200.000 đồng/lượt nếu khám bởi phó giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia từ các bệnh viện lớn và trường y trong thành phố.

    Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, cho biết chưa điều chỉnh tăng giá vì cần phải đầu tư nâng cao chất lượng phục vụ trước để tăng uy tín, tăng tiện ích phục vụ bệnh nhân. "Sau đại dịch Covid, kinh tế vẫn còn khó khăn nên có lẽ khoảng 6 tháng hay một năm nữa mới xem xét chuyện điều chỉnh", bác sĩ Khanh nói.

    Tương tự, Bệnh viện Nhân dân 115 - một trong những cơ sở đa khoa hàng đầu của TP HCM - dự kiến một số dịch vụ tăng giá sau khi đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng phù hợp, xứng đáng với mức phí bệnh nhân bỏ ra. Những khoa có cơ sở vật chất cũ hơn, giường dịch vụ đang giữ giá 500.000-600.000 đồng. Những khoa mới xây dựng, phòng trang bị các tiện ích đi kèm, người bệnh có thể trả 2-2,5 triệu đồng một phòng.

    "Trong bối cảnh nhiều khoa còn quá tải, bệnh viện không tăng giường dịch vụ, song đầu tư nâng cấp để vừa phục vụ bệnh nhân có điều kiện, vừa đảm bảo chi phí cho bệnh viện hoạt động, phát triển", bác sĩ Lê Anh Tuấn, phụ trách Phòng kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Nhân dân 115, nói.

    Nhiều bệnh viện lớn khác của thành phố như Tai Mũi Họng, Bình Dân... cũng đang áp dụng giá khám chữa bệnh dịch vụ cũ, xem xét điều chỉnh. Việc rà soát giường, điều chỉnh giá khám chữa bệnh dịch vụ được nhiều bệnh viện thực hiện trong thời gian qua, trên cơ sở Thông tư Quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở khám chữa bệnh của nhà nước cung cấp, hiệu lực từ ngày 15/8. Lãnh đạo các bệnh viện cho rằng Bộ Y tế quy định dải giá rộng tạo điều kiện cho các bệnh viện lựa chọn được mức giá phù hợp theo cơ chế thị trường, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, từ đó cả bệnh nhân và nhân viên y tế đều hưởng lợi.

    Nhiều bệnh viện TP HCM chưa tăng giá khám chữa dịch vụ

    Nhiều bệnh viện tại TP HCM quá tải, bệnh nhân phải nằm ở hành lang, nên không đủ không gian, vị trí để mở nhiều phòng dịch vụ. Ảnh: Quỳnh Trần

    Thông tư mới cũng quy định tỷ lệ giường bệnh theo yêu cầu không quá 20% so với tổng số giường bình quân năm trước của cơ sở y tế. Tỷ lệ thời gian chuyên gia, bác sĩ giỏi khám chữa bệnh yêu cầu tối đa 30%, còn lại giành phần lớn thời gian để khám, chữa bệnh cho người có bảo hiểm y tế, hoặc người bệnh không có bảo hiểm y tế nhưng cần hỗ trợ. Như vậy, hơn 80% số giường còn lại của bệnh viện công và hơn 70% thời lượng của bác sĩ dành để phục vụ bệnh nhân thông thường, khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

    Tùy điều kiện cơ sở vật chất, các bệnh viện đang điều chỉnh số lượng giường dịch vụ phù hợp, xấp xỉ 20% tổng số giường. Tuy nhiên, nhiều nơi vẫn giữ nguyên số giường như cũ. Tại Bệnh viện Da liễu TP HCM, giá khám bệnh dịch vụ từ 80.000 lên 100.000 đồng, các danh mục khác giữ nguyên. Theo Giám đốc bệnh viện - TS.BS Nguyễn Trọng Hào, nơi này không có nhiều không gian nên số giường bệnh dịch vụ cũng hạn chế, không mở rộng thêm.

    Bệnh viện Chợ Rẫy - hạng đặc biệt thuộc Bộ Y tế, tuyến cuối của cả khu vực miền Nam, có khoảng 150 giường dịch vụ trên tổng số hơn 3.200 giường bệnh, chiếm tỷ lệ gần 5%, còn lại là giường bệnh thông thường.

    "Do không đủ không gian, vị trí để mở nhiều phòng dịch vụ, bệnh viện chỉ dành riêng một khu để điều trị theo yêu cầu, không đặt chung với khu phòng thường để tránh người bệnh có sự so sánh", bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy nói.

    Chợ Rẫy chủ trương hạn chế giường dịch vụ vì lượng bệnh nhân khó khăn từ các tỉnh đến viện rất đông, chưa đủ cơ sở vật chất phục vụ nhiều bệnh nhân có điều kiện.

    Trong khi đó, hầu hết bệnh viện lớn tại Hà Nội như Hữu nghị Việt Đức, Bạch Mai, Y... đã điều chỉnh giá khám chữa bệnh theo yêu cầu khi thông tư mới có hiệu lực, phần lớn theo hướng tăng.

    Ngoài quy định về giá, thông tư mới cũng giúp các bệnh viện hợp tác công tư, liên doanh liên kết, hợp tác với cơ sở y tế nước ngoài, mời chuyên gia nước ngoài khám chữa bệnh. Từ đó, người dân được hưởng lợi, đồng thời các bác sĩ có cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, cập nhật kỹ thuật tiên tiến ở nước ngoài.

    Các bác sĩ cho rằng nhu cầu khám chữa bệnh dịch vụ của người dân ngày càng cao. Một bộ phận người dân đi nước ngoài khám chữa bệnh, tiêu tốn nguồn lực về kinh tế rất lớn. Trong khi đó, chuyên môn của bác sĩ Việt Nam, đặc biệt ở bệnh viện tuyến cuối không hề thua kém so với bệnh viện trên thế giới, song hiện chưa phát huy được hết tiềm năng. Nếu bệnh viện khám chữa theo yêu cầu tốt sẽ giữ chân được bệnh nhân, tiết kiệm tài chính cho người dân và đất nước.

    Nguồn Vnexpress

    Viết bình luận

    Chú ý: Không sử dụng các mã lệnh HTML!