• Trang chủ
  • Nguy kịch vì bị rắn độc cắn khi đang ngủ dưới nền nhà

    Nguy kịch vì bị rắn độc cắn khi đang ngủ dưới nền nhà

    0
    93

    Đang ngủ dưới nền nhà, bé trai bị loại rắn sọc đen sọc trắng cắn vào tay phải. Một giờ sau trẻ giãn đồng tử, nói khó, liệt tứ chi, phải đi cấp cứu gấp.

    Bé trai 3 tuổi, ở Nghệ An, vào Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) cấp cứu hôm 25/7. Phát hiện con bị rắn cắn, gia đình đưa trẻ đến nhà thầy lang gần nhà đắp thuốc lá, 1 giờ sau trẻ đã bị sụp mi, giãn đồng tử 2 bên, nói khó, liệt tứ chi, liệt cơ hô hấp tiến triển. Sau khi được đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu, đặt nội khí quản, trẻ được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.

    Thông qua hình ảnh con rắn chụp lại qua điện thoại do gia đình cung cấp, bác sĩ xác định trẻ bị rắn cạp nia miền Bắc cắn. Đây là một trong số loại rắn có nọc độc mạnh nhất, đe doạ trực tiếp đến tính mạng nạn nhân.

    Nguy kịch vì bị rắn độc cắn khi đang ngủ dưới nền nhà

    Nguy kịch vì bị rắn độc cắn khi đang ngủ dưới nền nhà

    Hình ảnh con rắn cạp nia miền Bắc do gia đình cung cấp, và tình trạng bệnh nhi sau 2 tuần điều trị. Ảnh: Vy Hiếu

    Trong khi đó, huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia hiện chưa được sản xuất tại Việt Nam, nguồn cung phụ thuộc vào nước ngoài, thường khan hiếm, thiếu hoặc không có.

    ThS.BS Trần Thị Mỹ Hạnh, Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết các bác sĩ đã rất nỗ lực liên hệ bệnh viện trong nước, nước ngoài để tìm nguồn cung cấp huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia miền Bắc. Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) chỉ có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia miền Nam đơn giá (dùng giải nọc rắn cạp nia miền Nam, không có tác dụng với rắn cạp nia miền Bắc) và huyết thanh kháng nọc rắn đa giá (có tác dụng chung cho rắn cạp nong, cạp nia, hổ chúa, hổ đất).

    Bệnh nhi được truyền 10 lọ huyết thanh kháng nọc rắn đa giá. Sau hơn 2 tuần điều trị tích cực, đến ngày 10/8, trẻ tỉnh, có nhiều nhịp tự thở, biết thực hiện các động tác theo yêu cầu, kết quả điện não đồ bình thường. Vài ngày tới trẻ có thể được rút máy thở.

    Trường hợp thứ 2 cũng bị rắn cắn khi đang ngủ là bé V.T, hơn 2 tuổi, ở Tuyên Quang. Bị rắn cắn vào ngón cái bàn chân trái, bé đau và quấy khóc, gia đình đang ngủ cùng phát hiện 1 con rắn trong gầm giường và đánh chết rắn nhưng không lưu lại hình ảnh.

    Biết đây là rắn độc, gia đình đã đưa bệnh nhi đến nhà thầy lang lấy thuốc về đắp. Sau 1 ngày, bàn chân bé sưng nề, hoại tử lan lên tới đùi, co giật toàn thân, gia đình hốt hoảng đưa trẻ đi cấp cứu.

    Vào bệnh viện đa khoa tỉnh, bé đã suy hô hấp, suy tuần hoàn, hôn mê, liệt cơ hô hấp, buộc phải liên hệ chuyển lên tuyến trên. Khoảng 36 tiếng sau khi bị rắn cắn, bệnh nhi nhập viện Bệnh viện Nhi Trung ương, tiên lượng rất nặng nề.

    Dựa trên đặc điểm vết cắn, tính chất tổn thương, bác sĩ hướng đến trẻ bị rắn hổ đất cắn. Ngay trong đêm, bệnh nhi được truyền 40 lọ huyết thanh kháng nọc rắn hổ và thở máy, đồng thời phẫu thuật mở cân cẳng bàn chân trái. Bệnh nhi cũng được truyền dịch, lợi tiểu, phòng biến chứng suy thận cấp.

    Sau 4 ngày điều trị, bệnh nhi được rút ống nội khí quản, tỉnh táo, hồi phục hoàn toàn về sức cơ, cẳng bàn chân trái đỡ sưng nề, vận động tốt. Tuy nhiên, ngón cái bàn chân trái bị rắn cắn đã hoại tử khô, có thể cần phẫu thuật cắt bỏ.

    Đây là 2 trong 3 bệnh nhi nguy kịch do rắn cắn Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị trong 2 tuần gần đây. Các bác sĩ lưu ý cách phòng ngừa để trẻ không bị rắn cắn:

    - Tránh tới nơi có thể có rắn như: Khu vực có cỏ cao, bụi cây um tùm, hang có nhiều gạch đá, khu vực gần chuồng gia cầm.

    - Đi trên cỏ rậm hoặc vườn cây có nhiều lá khô nên mang giày ống cao và mặc quần dài phủ ra ngoài giày. Tránh ra vườn sau mưa rào, trời tối.

    - Không cho trẻ nằm ngủ dưới nền nhà.

    - Nếu thấy rắn trong tự nhiên, nên để rắn tự đi. Tránh bắt hay chọc phá rắn.

    Nguồn Vietnamnet

    Viết bình luận

    Chú ý: Không sử dụng các mã lệnh HTML!