• Trang chủ
  • Doanh nghiệp Mỹ muốn đầu tư mạnh vào Việt Nam

    Doanh nghiệp Mỹ muốn đầu tư mạnh vào Việt Nam

    0
    153

    “Chúng tôi mong muốn sẽ sớm được thấy phi hành gia Việt Nam làm việc cùng các đồng nghiệp Mỹ và các nước khác trên trạm vũ trụ quốc tế” - nguyên Đại sứ Mỹ Ted Osius nói.

    Tuần trước, nguyên Đại sứ Mỹ tại Việt Nam (VN) Ted Osius đã dẫn đầu 52 doanh nghiệp (DN) thành viên của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) thăm VN và gặp gỡ nhiều lãnh đạo cấp cao nước ta.

    Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM sau những ngày làm việc liên tục, ông Ted Osius nói: Thông điệp “tôn trọng thể chế chính trị… ủng hộ một nước VN thịnh vượng, hùng cường đã được Mỹ nhấn mạnh suốt 10 năm qua. Cả chính phủ và cộng đồng DN Mỹ đã làm rất nhiều công việc thiết thực trong thời gian qua để thực hiện cam kết đó. Chúng tôi sẽ còn làm nhiều hơn nữa trong 10 năm tới và xa hơn nữa”.

    Các buổi làm việc rất hiệu quả

    . Phóng viên: Thưa nguyên Đại sứ, chuyến thăm VN lần này của hơn 50 DN Mỹ do ngài dẫn đầu đã để lại trong ngài và các DN những ấn tượng thế nào?

    + Nguyên Đại sứ Ted Osius: Các buổi làm việc của chúng tôi với các vị lãnh đạo cấp cao và các bộ của VN rất hiệu quả. Trong buổi gặp đầu tiên của đoàn với Bộ Tài chính, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi đã kiên nhẫn lắng nghe và giải đáp chi tiết, cặn kẽ 19 vấn đề các công ty Mỹ trình bày với tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN, sẵn sàng tiếp thu ngay những đề xuất hợp lý.

    Doanh nghiệp Mỹ muốn đầu tư mạnh vào Việt Nam

    Lãnh đạo các bộ khác đều tiếp chúng tôi với tinh thần cầu thị, hướng tới kết quả như vậy. Chẳng hạn như Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã triệu tập lãnh đạo các đơn vị trong Bộ Y tế lắng nghe và đánh giá cao rất nhiều đề xuất của chúng tôi về sửa đổi những quy định về quản lý thuốc, trang thiết bị y tế và vật tư, hóa chất cũng như một số quy định về bảo hiểm y tế.

    Nhưng ấn tượng nhất là buổi Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đoàn. Ông đã mở rộng thời gian tiếp đoàn từ 1 giờ lên đến hơn 2,5 giờ để lắng nghe tất cả 12 vấn đề và yêu cầu từng vị bộ trưởng, thứ trưởng của bảy bộ giải đáp ngay trong cuộc họp.

    Các cuộc họp sau đó với Chủ tịch Quốc hội, bộ trưởng Bộ Công an và trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng đều để lại cho đoàn những ấn tượng hết sức tích cực về tinh thần chào đón các nhà đầu tư Mỹ, đánh giá cao và tiếp thu rất nhiều những ý kiến, đề xuất của cộng đồng DN Mỹ, khuyến khích các DN Mỹ hợp tác chặt chẽ với các DN VN.

    . Ông có thể chia sẻ vì sao lần này USABC lại quan tâm nhiều đến VN như vậy?

    + Đó là do VN có được tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng năm ngoái, trên 8%, cao nhất trong khu vực. Dù năm nay được dự báo sẽ có nhiều khó khăn nhưng các DN thành viên của chúng tôi vẫn duy trì mức độ tin cậy rất cao vào triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế VN và sự điều hành linh hoạt của chính phủ.

    Đồng thời, chúng tôi nhận thấy xu hướng ngày một mạnh lên trong các công ty về việc mở rộng trung tâm sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu tại VN trong các ngành bán dẫn, tiêu dùng nhanh, đồ chơi, đồ nội thất, lương thực, thực phẩm, kinh tế số, kinh tế sáng tạo, dịch vụ tài chính ngân hàng và chăm sóc sức khỏe.

    Lĩnh vực hàng không vũ trụ, quốc phòng và an ninh đang chứng kiến sự quan tâm trở lại của cả hai phía. Các cuộc trao đổi giữa các DN Mỹ và các đối tác VN đang diễn ra thường xuyên hơn dù vẫn còn rất nhiều việc phải làm để hai bên hiểu được quy trình của nhau.

    Doanh nghiệp Mỹ muốn đầu tư mạnh vào Việt Nam

    Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đoàn doanh nghiệp Mỹ đến thăm và làm việc tại Việt Nam. Ảnh: CL

    DN Mỹ quan tâm rất lớn tới thị trường VN

    . Với kinh nghiệm về VN, hẳn ngài cũng hiểu rõ những chuyển động gần đây ở một đất nước mà ông từng có một nhiệm kỳ đại sứ, xuất bản sách và còn tiếp tục gắn bó trên cương vị là chủ tịch USABC. Vậy việc 50 DN của Mỹ lần này tới VN thể hiện điều gì trong tương quan kinh tế Việt - Mỹ?

    + Chính xác là 52 DN Mỹ là thành viên của chúng tôi đã đến VN tuần này.

    Đây là đoàn DN đến từ Mỹ lớn nhất từ trước đến nay. Điều này chứng tỏ sự quan tâm rất lớn của các DN Mỹ tới thị trường VN, cũng như sự tin tưởng của chúng tôi vào chủ trương tiếp tục đẩy mạnh cải cách của ban lãnh đạo VN và năng lực điều hành của Chính phủ VN.

    . Qua các cuộc làm việc với các lãnh đạo VN, đặc biệt là Thủ tướng Phạm Minh Chính, bản thân ngài ấn tượng với thông điệp nào mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra? Thông điệp ấy có đáp ứng được kỳ vọng của đoàn DN Mỹ nói riêng, của chính giới Mỹ nói chung không?

    + Như tôi đã nói ở trên, ấn tượng của đoàn với các vị lãnh đạo VN, nhất là Thủ tướng của các bạn, là rất tích cực.

    Chúng tôi đặc biệt đánh giá cao quyết tâm chuyển đổi số và chuyển dịch sang năng lượng xanh của VN. Đây đều là những ưu tiên cao và là thế mạnh của Mỹ. Chúng tôi có nhiều nguồn lực và mong muốn hợp tác, hỗ trợ trong các lĩnh vực này.

    . Trong rất nhiều mối quan tâm của Mỹ với VN về mặt kinh tế - môi trường, tôi thấy Mỹ kiên trì với năng lượng tái tạo, thể hiện ít nhất từ hồi thượng nghị sĩ John Kerry tới VN dự Diễn đàn kinh tế năm 2017. Vì sao điều này được đặc biệt quan tâm như thế? Mỹ có niềm tin vào VN trong lĩnh vực này hay không? Cơ sở nào để Mỹ đặt niềm tin như vậy?

    + Trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng và mở rộng các trung tâm sản xuất toàn cầu tại VN, nhiều nhà đầu tư chất lượng cao rất cần sử dụng năng lượng tái tạo. Nhiều công ty thành viên của chúng tôi đã tự cam kết mục tiêu trung hòa carbon trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. VN lại có rất nhiều tiềm năng về lĩnh vực này, đặc biệt là điện gió ngoài khơi.

    Chúng tôi cảm nhận thực sự và rõ ràng sự quan tâm của người dân và lãnh đạo VN về tính cấp thiết của việc bảo vệ môi trường, không chỉ cho VN mà cả khu vực và toàn cầu, vì biến đổi khí hậu tác động đến tất cả quốc gia. Chúng tôi rất vui mừng khi Thủ tướng VN công bố cam kết trung hòa carbon tại COP26.

    Với những lý do nói trên, chúng tôi tin tưởng vào quyết tâm cũng như năng lực thực hiện cam kết đó của VN.

    Dĩ nhiên, như Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội cũng như nhiều lãnh đạo khác của VN đã thẳng thắn chia sẻ: Sẽ rất khó và cũng không công bằng nếu để VN tự mình thực hiện mục tiêu trên. Chính phủ và cộng đồng DN các quốc gia cần chung tay với VN. Chúng tôi luôn sẵn sàng và trên thực tế đang làm điều đó.

    Chúng tôi không nói suông và sẽ còn làm nhiều hơn nữa

    . Tôi hiểu rằng quan hệ Việt - Mỹ còn nhiều “dư địa” để phát triển, nâng tầm… Những khuyến nghị nào cho cả hai bên mà ngài nghĩ là nên được triển khai sớm, thực thi một cách nghiêm túc và chân thành?

    + Thứ nhất là hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi số, thúc đẩy kinh tế số. Việc Thủ tướng làm chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số cho thấy tầm quan trọng của lĩnh vực này.

    Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh với chúng tôi: Chuyển đổi số là cuộc cách mạng thể chế hơn là cuộc cách mạng công nghệ. Chúng tôi hoàn toàn nhất trí và đã liên tục đóng góp ý kiến cho các luật, quy định về kinh tế số trong những năm qua.

    Chúng tôi sẽ còn đẩy mạnh công tác này hơn nữa trong thời gian tới trong khuôn khổ Biên bản ghi nhớ (MOU) mà Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và tôi đã ký trước sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo hồi tháng 5-2022 ở Washington, D.C. khi ông thăm Mỹ dự Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Mỹ - ASEAN.

    Thứ hai là hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, tập trung vào phát triển năng lượng tái tạo, hệ thống truyền tải và các nguồn điện chạy nền để hỗ trợ các nguồn tái tạo.

    Thứ ba là hợp tác trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe.

    Thứ tư là hợp tác trong lĩnh vực phát triển và đa dạng hóa chuỗi cung ứng cho ngành công nghiệp quốc phòng, an ninh của VN.

    Thứ năm là hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đặc biệt là hàng không, vũ trụ. Chúng tôi mong muốn sẽ sớm được thấy phi hành gia VN làm việc cùng các đồng nghiệp Mỹ và các nước khác trên trạm vũ trụ quốc tế...

    . Xin cám ơn ông.•

    Mỹ tiếp tục thực hiện cam kết với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

    . Khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ năm 2015, Tổng thống Mỹ cam kết “tôn trọng thể chế chính trị… ủng hộ một nước VN thịnh vượng, hùng cường”. Cam kết đó đã, đang và sẽ thực hiện thế nào, thưa ông?

    + Có thể nói, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đặt nền móng cho quan hệ Việt - Mỹ trong thời kỳ mới. Vượt qua bao nhiêu thách thức và nghi kỵ, hai nước chúng ta đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1995. Tôi rất tự hào vì đã đến VN công tác và đóng góp trong những ngày đầu đó. Trong 18 năm sau đó, quan hệ hai nước đã có những bước tiến vô cùng ấn tượng.

    Nhưng phải đến khi Đối tác toàn diện được ký kết năm 2013, chúng ta mới thấy sự phát triển bùng nổ trong hầu hết lĩnh vực của quan hệ song phương. Những kết quả đạt được trong 10 năm qua là sự tiếp nối nhưng cũng vượt xa các tiến bộ mà chúng ta thực hiện được trong 18 năm trước đó.

    Đối tác toàn diện được ký kết và triển khai ở VN dưới sự lãnh đạo cao nhất của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cũng chính ông là lãnh đạo cao cấp nhất đầu tiên của VN thăm Nhà Trắng vào năm 2015 mà tôi rất tự hào vì đã đóng góp một phần vào chuyến thăm lịch sử đó. Tổng thống của chúng tôi đã đảm bảo với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rằng Mỹ “tôn trọng thể chế chính trị… ủng hộ một nước VN thịnh vượng, hùng cường”.

    Các bạn có thể nhận thấy thông điệp đó đã được nhấn mạnh rất nhiều lần bởi tất cả quan chức chính phủ Mỹ trong suốt 10 năm qua. Chúng tôi không nói suông. Cả chính phủ và cộng đồng DN Mỹ đã làm rất nhiều công việc thiết thực trong thời gian qua để thực hiện cam kết đó. Chúng tôi sẽ còn làm nhiều hơn nữa trong 10 năm tới và xa hơn nữa.

    Nguồn Pháp luật

    Viết bình luận

    Chú ý: Không sử dụng các mã lệnh HTML!