• Trang chủ
  • Dân đổ xô tìm mua đất, môi giới không có thời gian nghỉ ngơi

    Dân đổ xô tìm mua đất, môi giới không có thời gian nghỉ ngơi

    0
    418

    Trước nhu cầu tìm mua đất của người dân ngày càng tăng, nhiều môi giới cho biết không có thời gian nghỉ ngơi dành cho bản thân và gia đình.

    Anh Nguyễn Đình Vinh, một môi giới BĐS tại khu vực Đồng Mai, Hà Đông cho biết trong quãng thời gian 2 tuần gần đây số người liên hệ với anh gọi đề nghị dẫn đi xem đất tăng nhiều. Có hôm, anh dẫn 4-5 đoàn khách đi xem thực địa, vào những ngày cuối tuần thì số khách muốn được dẫn đi xem đất nhiều hơn.

    Theo anh Vinh, những khách hàng liên hệ với anh tìm mua đất chủ yếu là những người mua bất động sản lần đầu, những người có nhu cầu tìm một nơi an cư tại thủ đô sau nhiều năm ở trọ. Chính vì thế, khách hàng của anh là những người có nhu cầu mua đất với diện tích từ 40 đến 50 mét vuông và có mức giá dưới 2 tỷ đồng. Đặc biệt, với những thửa đất có mức giá chuyển nhượng từ 1,2 đến 1,5 tỷ đồng rất dễ chốt khách thời điểm này.

    Nhu cầu mua đất nền của người dân tăng vọt trong thời gian gần đây

    Anh Vinh chia sẻ chỉ trong quãng thời gian 2 tuần vừa qua đã chốt thành công 10 lô đất cho những người có nhu cầu: “Số lượng người tìm mua đất trong 2 tuần vừa qua có thể bằng cả 2 tháng trước đây cộng lại. Nhiều người có nhu cầu ở thực nên thời điểm này những mảnh đất có diện tích và giá cả vừa phải rất dễ chốt”, môi giới này cho biết.

    Dẫn đoàn khách đi thực địa những mảnh đất tại khu vực Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội, chị Thanh cho biết những môi giới như chị không có thời gian nghỉ ngơi vào những dịp cuối tuần bởi đây là thời điểm mà những người có nhu cầu mua đất mới có thời gian để đi xem thực tế.

    Môi giới này chia sẻ trong 2 ngày cuối tuần đã từ chối nhiều cuộc hẹn liên hoan với bạn bè và người quen để dành thời gian dẫn khách đi xem đất. Tuy nhiên, chị Thanh cho biết, dù khách nhờ dẫn xem đất đông nhưng nhiều người vẫn chưa sẵn sàng xuống tiền đầu tư ở thời điểm hiện tại: “Phần lớn khách tôi dẫn đi xem vẫn đang ở trạng thái thăm dò, tham khảo thôi chứ chưa có người thực sự xuống tiền đầu tư”.

    Trong cơn “sốt đất”, nhiều gia đình cũng tranh thủ bán bớt đất của mình để lấy vốn làm ăn. Chị Châu Giang (Hà Đông) cho biết tranh thủ giá đất trong khu vực đang tăng cao, gia đình chị quyết định cắt bán bớt 240 mét vuông đất với giá gần 30 triệu đồng/mét vuông để lấy vốn làm ăn. Chị Giang cho hay kể từ khi đăng tin rao bán gia đình chị đã tiếp hàng chục đoàn khách vào xem và các bên vẫn đang thương lượng về giá. Chủ nhà này cũng cho biết những khách hỏi mua chủ yếu là những nhà đầu tư lớn, họ thu gom những mảnh lớn rồi cắt nhỏ ra xây nhà bán cho những người có nhu cầu mua nhà xây sẵn.

    Anh Hoàng Cương, một cư dân tại Yên Nghĩa, Hà Đông cho biết khá bất ngờ với đà tăng của giá đất trong khu vực trong quãng thời gian 2 năm gần đây. Anh Cương chia sẻ một năm rưỡi trước đây một người quen của anh mua mảnh đất 44 mét vuông chỉ với giá 19,5 triệu đồng/m2 nhưng mới đây đã bán xong với giá 32 triệu đồng/mét vuông. Trong khi đó, người chủ mới mua mảnh đất đó hiện đang chào giá lên tới 37 triệu đồng mỗi mét vuông. Vào những ngày cuối tuần vẫn có hàng chục lượt khách tới xem mảnh đất này.

    Người dân phải xếp hàng chờ làm thủ tục sang nhượng BĐS tại các phòng công chứng

    Tại phía Nam, chị Trinh một môi giới BĐS tại TP HCM cho biết kể từ khi các địa phương dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội thì nhu cầu tìm mua đất của người dân đã tăng mạnh. Môi giới này cho biết khu vực Bình Châu (Xuyên Mộc – Bà Rịa Vũng Tàu) hay Lâm Đồng đang nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư từ TPHCM và cả Hà Nội.

    Chị Trinh chia sẻ, nhiều khách hàng của chị thậm chí đồng ý chốt cọc ngay khi được xem video giới thiệu về khu đất mà chưa cần xem thực tế. Trong ngày thứ bảy vừa qua, chị đã dẫn 3 khách của mình đi công chứng chuyển nhượng và cũng đi xem đất ở nhiều nơi khác.

    Theo chị Trinh, khác với trước đây, thời gian này khách mua đất chốt cọc nhanh đến bất ngờ. Theo đó, có những lô đất chị vừa giới thiệu cho những nhóm khách của mình trong buổi sáng thì đến 23 giờ đêm chủ đất báo lại đã nhận đặt cọc của người mua khác. Nhu cầu nhờ giới thiệu của khách tăng vọt nên bản thân chị cũng không có thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc cho gia đình. Nhiều hôm phải lên đường dẫn khách xem đất từ sớm trong khi phải đến đêm và rạng sáng mới về đến nhà để chợp mắt lấy sức cho ngày làm việc hôm sau.

    Theo TS Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam nhận định trong hai năm qua, dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19 nhưng thị trường bất động sản vẫn có nhiều điểm sáng. Các giao dịch vẫn diễn ra một cách tích cực với hàng trăm nghìn sản phẩm được chào bán và hàng vạn giao dịch thành công. Ông cũng cho biết trong thời gian tới nhiều phân khúc thị trường BĐS sẽ tiếp tục hồi phục và sôi động.

    Nhìn nhận về thị trường những tháng cuối năm, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng sự khan hiếm nguồn cung cộng với thuế đất, giá nguyên vật liệu, thiết bị, chi phí nhân công gia tăng có thể sẽ khiến giá bất động sản tiếp tục tăng cao. Người có thu nhập trung bình tại Hà Nội, muốn sở hữu nhà, BĐS đã khó lại càng khó.

    Tuy nhiên, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cũng cho rằng với những người có nhu cầu tìm mua BĐS thời điểm này cần nghiên cứu kỹ thị trường, quy hoạch khu vực mình định xuống tiền, tránh đổ xô vào những khu vực đã tăng nóng,…

    Trong khi đó, theo báo cáo của DKRA Việt Nam, từ đầu tháng 10 đến nay, việc giãn cách xã hội đã từng bước được nới lỏng, các hoạt động kinh tế – xã hội cũng dần trở về trạng thái bình thường mới. Thị trường bất động sản luôn nhanh nhạy phản ứng trước những thông tin chỉ đạo tích cực của chính quyền địa phương về mọi khía cạnh đời sống.

    Trong đó, đất nền các tỉnh giáp ranh vẫn là dòng sản phẩm được ưu tiên hàng đầu. Có thể tuy không sôi động như giai đoạn đầu năm 2021 nhưng vẫn sẽ có lượng giao dịch đáng kể, đặc biệt tại các địa phương có các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm.

    Theo Trung Kiên (Dân Việt)

    Viết bình luận

    Chú ý: Không sử dụng các mã lệnh HTML!