Nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28-6, sáng 27-6, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tới thăm hỏi, gặp gỡ và động viên nhân dân Làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội
Trong không khí phấn khởi, vui mừng, đông đảo tầng lớp nhân dân xã Đường Lâm đứng dọc hai bên đường làng tới đình cổ thôn Mông Phụ, vẫy cờ hoa chào đón Chủ tịch nước và đoàn công tác.
Làng cổ Đường Lâm được hình thành cách đây hàng ngàn năm, nằm trên địa bàn thị xã Sơn Tây, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 45 km về phía Tây theo Quốc lộ 32. Khu vực này gần như còn nguyên vẹn hình ảnh thanh bình của làng Việt cổ Bắc Bộ với cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình, ao sen, nhà cổ… cùng những con người chân chất, mộc mạc với nếp sinh hoạt, phong tục, tập quán được gìn giữ từ xa xưa.
Đường Lâm nức tiếng hơn cả vì đây là "đất hai vua", là quê hương của hai Anh hùng dân tộc: Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng (761 - 801), người có công đánh đuổi giặc nhà Đường, và Ngô Quyền (898 - 944), người đã chỉ huy trận chiến thắng trên sông Bạch Đằng nổi tiếng, đánh tan quân xâm lược Nam Hán, giành độc lập cho đất nước.
Trò chuyện với nhân dân tại đình cổ Đường Lâm, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định gia đình là tế bào của xã hội, là nơi nuôi dưỡng, thành trì quan trọng nhất của mỗi người. Gia đình luôn gắn liền với cộng đồng, khu phố, làng xã, là nền tảng vững chắc phát huy sức mạnh, sự trường tồn của dân tộc. Ngày Gia đình Việt Nam hằng năm là dịp rất có ý nghĩa nhằm tôn vinh những giá trị của gia đình, để con, cháu hướng về cội nguồn, về những người thân yêu, vun đắp những tình cảm tốt đẹp, những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của quê hương, đất nước.
Bày tỏ vui mừng về thăm Đường Lâm để chia vui với người dân nhân Ngày Gia đình Việt Nam, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước đã gửi lời hỏi thăm ân cần và lời chúc mừng nồng nhiệt tới toàn thể nhân dân địa phương, mong Đường Lâm tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng để ngày càng phát triển bền vững, thịnh vượng.
Nhắc lại lịch sử làng cổ Đường Lâm vốn được coi là mảnh đất "Địa linh nhân kiệt", "Một ấp hai Vua", quê hương văn hiến, cách mạng, có truyền thống hiếu học rất đỗi tự hào không chỉ của các thế hệ gia đình và nhân dân Đường Lâm mà còn của Thủ đô Hà Nội và cả nước, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh thế hệ ngày nay luôn ghi nhớ công lao đóng góp của các vị tiền bối tại mảnh đất hào kiệt này; đồng thời khẳng định lịch sử phát triển của Đường Lâm còn được cả thế giới biết đến như một địa danh lịch sử cần được duy trì, bảo tồn những truyền thống di sản của làng xã.
Vui mừng nhận thấy người dân luôn vui vẻ, tự hào về quê hương, Chủ tịch nước cho rằng với những di sản quý báu hàng trăm năm mà các thế hệ cha ông để lại, trong đó những đặc trưng của làng cổ miền Bắc như cổng làng, mái đình, những ngôi nhà cổ…, thế hệ ngày nay cần thể hiện trách nhiệm duy trì, bảo tồn và tiếp tục phát huy từ phong tục tập quán, truyền thống và nền nếp gia đình, cho tới những di tích để giới thiệu cho nhân dân thế giới biết về những nét văn hóa truyền thống nông thôn tiêu biểu của Việt Nam.
Khẳng định Đảng, Nhà nước luôn chăm lo cho mọi gia đình Việt Nam, nhất quán với chủ trương "không để ai bị bỏ lại phía sau", Chủ tịch nước Tô Lâm biểu dương, đánh giá cao chính quyền và nhân dân địa phương về kết quả trong công tác an sinh xã hội đạt được trong những năm qua, trong đó Đường Lâm là một trong những xã đi đầu của thị xã Sơn Tây trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu khi đã hoàn thành 80% chỉ tiêu, không còn hộ nghèo, người dân đùm bọc, thương yêu, hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển trong một xã hội văn minh, hài hòa và đoàn kết.
Hướng tới kỷ niệm nhiều sự kiện quan trọng của Sơn Tây trong năm 2024, Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng thị xã Sơn Tây nói chung và xã Đường Lâm nói riêng sẽ tiếp tục đạt nhiều thành công to lớn hơn, đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng phát triển và thịnh vượng, có thêm nhiều nhân tài đóng góp cho sự nghiệp phát triển chung của đất nước.
Trước đó, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tới dâng hương tại đền thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng và Vua Ngô Quyền, cũng như thăm hỏi và tặng quà hai gia đình tiêu biểu của xã Đường Lâm là gia đình cựu chiến binh Kiều Văn Quốc (95 tuổi) và gia đình ông Giang Vĩnh Phúc (82 tuổi). Trong cuộc trò chuyện thân tình, Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng được đến thăm những gia đình tiêu biểu tại địa phương, đồng thời mong muốn các gia đình sẽ tiếp tục duy trì và phát huy những nét văn hóa gia đình, làng xã truyền thống, sự đoàn kết đại gia đình, thôn xóm cũng như tiếp tục có những đóng góp tích cực cho xã hội và đất nước.
Một số hình ảnh do TTXVN ghi nhận:
Chủ tịch nước Tô Lâm thăm gia đình ông Kiều Văn Quốc (4 thế hệ) tại thôn Mông Phụ, làng cổ Đường Lâm. Ảnh: TTXVN
Nguồn: Người Lao Động