Từ 1-7, bên cạnh các Luật mới, nhiều nội dung về tiền lương cơ sở, phí, lệ phí, ngân hàng... sẽ chính thức có hiệu lực.
10 Luật mới sẽ có hiệu lực thi hành
Từ 1-7, 10 luật mới đã được Quốc hội thông qua tại các kỳ họp trước sẽ chính thức có hiệu bao gồm: Luật Các tổ chức tín dụng 2024; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở 2023; Luật Căn cước 2023; Luật Tài nguyên nước 2023; Luật Viễn thông 2023; Luật Giao dịch điện tử 2023; Luật Hợp tác xã 2023; Luật Phòng thủ dân sự 2023; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 và Luật Giá 2023.
Đây đều là những luật có tác động lớn đến tình hình an ninh, trật tự xã hội, kinh tế, cũng như cuộc sống của người dân, với nhiều điểm mới quan trọng.
Đơn cử, theo Luật Căn cước 2023, công dân sẽ được cấp thẻ căn cước (thay vì thẻ CCCD như theo Luật Căn cước công dân 2014) mà không phụ thuộc vào việc đã có đăng ký thường trú hay chưa.
Mẫu căn cước từ 1-7.
Trẻ em mới sinh ra cũng được cấp căn cước khi có yêu cầu, thay vì chỉ cấp cho người từ đủ 14 tuổi như luật cũ.
Đồng thời, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch mà đang sinh sống liên tục từ 6 tháng trở lên tại đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện nơi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã thì sẽ được cấp Giấy chứng nhận căn cước….
Với Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) 2024, luật này quy định 5 nhóm hành vi bị nghiêm cấm. Trong đó, đáng chú ý là nghiêm cấm TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.
Đặc biệt, Luật mới dành nguyên 1 chương để quy định về việc Ngân hàng Nhà nước sẽ can thiệp sớm với các TCTD trong 5 trường hợp như: Xếp hạng dưới mức trung bình theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; bị rút tiền hàng loạt và có báo cáo gửi Ngân hàng Nhà nước; vi phạm tỷ lệ khả năng chi trả (tỷ lệ bảo đảm an toàn) trong thời gian 30 ngày liên tục…
Cũng từ 1-7, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sẽ được thành lập ở các xã, trên cơ sở hợp nhất ba lực lượng: bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng và đội trưởng, đội phó đội dân phòng.
Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là một trong những lực lượng quần chúng, được bố trí ở thôn, tổ dân phố, làm nòng cốt hỗ trợ Công an cấp xã giúp UBND cùng cấp trong bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Để tham gia lực lượng này thì người dân cần có điều kiện: từ đủ 18 tuổi đến đủ 70 tuổi (trường hợp trên 70 tuổi mà bảo đảm sức khỏe thì Chủ tịch UBND cấp xã quyết định); có bằng tốt nghiệp hoặc đã hoàn thành chương trình giáo dục trung học cơ sở trở lên…
Tăng lương cơ sở; mức lương hưu, trợ cấp BHXH
Sáng 29-6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 7 khóa XV với nhiều nội dung quan trọng, trong đó có nội dung về tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu/tháng từ 1-7.
Cũng từ ngày 1-7, điều chỉnh tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng (tháng 6-2024); đối với người đang hưởng lương hưu trước năm 1995 nếu sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh tăng 300.000 đồng/tháng, có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh để bằng 3,5 triệu đồng/tháng.
Điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công theo mức chuẩn trợ cấp từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng/tháng (tăng 35,7%), giữ nguyên tương quan hiện hưởng các mức trợ cấp ưu đãi người có công so với mức chuẩn trợ cấp; điều chỉnh trợ cấp xã hội theo mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng (tăng 38,9%).
Bị bác yêu cầu ly hôn, không cần chờ 1 năm để nộp đơn lại
Nghị quyết 01/2024 hướng dẫn áp dụng một số quy định trong giải quyết hôn nhân và gia đình của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao sẽ có hiệu lực từ 1-7.
Theo đó, nghị quyết hướng dẫn về các trường hợp bị hạn chế quyền ly hôn như chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Trong đó, không có hướng dẫn hạn chế quyền yêu cầu ly hôn trong một khoảng thời gian nhất định sau khi vợ/chồng yêu cầu ly hôn nhưng đã được tòa án giải quyết bằng một bản án có hiệu lực pháp luật, tuyên bác yêu cầu, như hướng dẫn tại Nghị quyết 02/2000 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.
Như vậy, với Nghị quyết 01/2024, TAND Tối cao, trường hợp người có đơn yêu cầu xin ly hôn mà bị toà án bác đơn xin ly hôn tiếp tục nộp đơn thì tòa án phải nhận đơn khởi kiện của đương sự, không được trả lại đơn khởi kiện theo hướng dẫn của Nghị quyết 02/2000.
Giảm đến 50% mức thu nhiều loại phí, lệ phí đến hết 2024
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 43/2024 quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo Thông tư này, một số loại phí, lệ phí được giảm 50% so với mức phí hiện hành kể từ ngày 1-7-2024 đến hết ngày 31-12-2024 như: lệ phí cấp căn cước; lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng; lệ phí nộp đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ;…; phí thẩm định phê duyệt thiết kế phòng cháy và chữa cháy; phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa…
Cũng tại thông tư này, Bộ Tài chính quyết định giảm từ 10-30% nhiều khoản phí, lệ phí, như: Phí thẩm định cấp chứng chỉ, giấy phép, giấy chứng nhận trong hoạt động hàng không dân dụng; cấp giấy phép ra vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay; lệ phí ra, vào cảng hàng không, sân bay đối với chuyến bay của nước ngoài đến các Cảng hàng không Việt Nam; phí hải quan đối với chuyến bay của nước ngoài đến các Cảng hàng không Việt Nam.
Kể từ ngày 1-1-2025, mức thu các khoản phí, lệ phí được giảm sẽ thực hiện theo quy định tại các Thông tư gốc.
Nhiều quy định mới lĩnh vực ngân hàng
Theo Quyết định 2345/2023 của Ngân hàng Nhà nước, với những giao dịch chuyển khoản online có giá trị từ 10 triệu đồng/lần trở lên và trên 20 triệu đồng/ngày, chủ tài khoản sẽ phải xác thực bằng sinh trắc học.
Quy định này được đánh giá là giúp đảm bảo an toàn cao nhất cho khách hàng. Đồng thời đây cũng là đòn bẩy, thúc đẩy các ngân hàng nhanh chóng triển khai những giải pháp ứng dụng công nghệ AI liên quan đến nhận diện sinh trắc học, nhằm tuân thủ và đơn giản hoá quy trình định danh khách hàng, cũng là cơ hội để ngân hàng làm sạch dữ liệu khách hàng, cập nhật giấy tờ tuỳ thân của khách hàng.
Còn theo Nghị định 52/2024, tài khoản thanh toán bị phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số dư trên tài khoản thanh toán theo thỏa thuận trước giữa chủ tài khoản thanh toán và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán hoặc theo yêu cầu của chủ tài khoản.
Cụ thể, 4 trường hợp phong tỏa tài khoản thanh toán bao gồm:
(1) Theo thỏa thuận trước giữa chủ tài khoản thanh toán và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán hoặc theo yêu cầu của chủ tài khoản.
(2) Khi có quyết định hoặc yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
(3) Khi ngân hàng có nhầm lẫn, sai sót về chuyển tiền (phát sinh chủ động từ phía cán bộ hoặc hệ thống ngân hàng), ngân hàng được phép phong tỏa hoặc yêu cầu ngân hàng đối tác thực hiện phong tỏa số tiền bị nhầm lẫn, sai sót.
(4) Khi có yêu cầu phong tỏa của một trong các chủ tài khoản thanh toán chung trừ trường hợp có thỏa thuận trước bằng văn bản giữa tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và các chủ tài khoản thanh toán chung.
Lưu ý, điều này không đồng nghĩa với việc “người A chuyển nhầm vào tài khoản của người B thì người A có quyền yêu cầu ngân hàng phong tỏa tài khoản người B”.
Nguồn: Pháp Luật