Lực lượng cứu hộ - bao gồm các đội tìm kiếm từ Tây Ban Nha và Anh - đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm những người sống sót còn mắc kẹt trong đống đổ nát.
Ngày 12-9 là ngày thứ 4 kể từ khi xảy ra thảm họa động đất ở Morocco, tàn phá các ngôi làng ở dãy núi High Atlas và cả một phần thành phố cổ Marrakeck cách tâm chấn 72 km về phía Tây Nam. Morocco đã triển khai quân đội tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn, phân phát nước, thực phẩm, nhu yếu phẩm.
Theo AP, các quan chức Morocco cho biết giữa rất nhiều lời đề nghị trợ giúp, nước này mới chỉ tiếp nhận viện trợ quốc tế từ 4 quốc gia là Tây Ban Nha, Anh, Qatar và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Bộ Nội vụ Morocco giải thích: "Chính quyền Morocco đã đánh giá cẩn thận các nhu cầu thực tế. Chúng tôi tin rằng việc thiếu phối hợp trong những trường hợp như vậy sẽ gây phản tác dụng".
Liên Hiệp Quốc (LHQ) cho biết họ có một nhóm ở Morocco để điều phối các nỗ lực hỗ trợ quốc tế. Hiện có khoảng 100 đội gồm tổng cộng 3.500 nhân viên cứu hộ đã đăng ký vào danh sách chờ của LHQ, sẵn sàng triển khai ở Morocco khi được yêu cầu. Ngoài ra, nhiều quốc gia đang quyên góp hiện kim, trong đó các tỉnh, thành ở Pháp đã đề nghị hỗ trợ 2 triệu euro.
Các đội cứu hộ đang nỗ lực tìm kiếm người mắc kẹt dưới đống đổ nát ở thị trấn tâm chấn Amizmiz hôm 10-9 Ảnh: REUTERS
Thiệt hại lớn được ghi nhận ở thị trấn Amizmiz, tâm chấn của trận động đất đêm 8-9 (giờ địa phương), nơi mà hầu như toàn bộ các ngôi nhà bằng đá sa thạch trên sườn núi đã mất dạng, tháp của một đền thờ Hồi giáo cũng bị sụp đổ.
Theo Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), khu vực này đã phải chịu thêm một dư chấn 3,9 độ hôm 10-9, sau trận động đất chính mạnh 6,8 độ. Người dân khu vực này và nhiều vùng lân cận hiện vẫn qua đêm ngoài trời.
Tính đến nay, số người tử nạn đã tăng lên gần 2.700, trong khi hơn 2.500 người khác bị thương, trong đó nhiều người đang nguy kịch. Theo Bộ Nội vụ Morocco, hầu hết người thiệt mạng tập trung ở huyện Al Haouz, trên dãy High Atlas. Tại các bệnh viện ở TP Marrakeck hôm 10-9, người dân xếp hàng hiến máu để cứu chữa những người bị thương.
Nguồn Người lao động