• Trang chủ
  • Căng thẳng Nga - NATO đang ở mức nào?

    Căng thẳng Nga - NATO đang ở mức nào?

    0
    173

    Cứ mỗi lần khối NATO "bật đèn xanh" cho phép Ukraine được mở rộng khả năng sử dụng các loại khí tài hiện đại với tầm bắn xa hơn, phía Nga lại đưa ra một "lằn ranh đỏ" mới để răn đe nhưng kém hiệu quả.

    Lính cứu hỏa và các tình nguyện viên tại hiện trường một ngôi nhà bị sập một phần sau vụ không kích của Ukraine vào Belgorod, Nga hôm 12-5, ít nhất 20 người bị thương trong vụ việc - Ảnh: AFP

    Lính cứu hỏa và các tình nguyện viên tại hiện trường một ngôi nhà bị sập một phần sau vụ không kích của Ukraine vào Belgorod, Nga hôm 12-5, ít nhất 20 người bị thương trong vụ việc - Ảnh: AFP

    Thống kê từ tờ Kyiv Post của Ukraine cho thấy chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra 15 tuyên bố về "lằn ranh đỏ" và 2 lời đe dọa tấn công hướng NATO trong năm 2023. Con số này rõ ràng sụt giảm so với 24 lần nhắc đến "lằn ranh đỏ" cùng 13 lời đe dọa tấn công hướng NATO từ phía Nga trong năm 2022.

    Liệu (Tổng thống Nga) Putin có thể thắng cuộc chiến này không? Không, bởi vì chúng ta không có quyền bị thua.

    Tổng thống Zelensky nói với các nghị sĩ Pháp ngày 7-6, trong lễ kỷ niệm 80 năm cuộc đổ bộ Normandy.

    Thế khó của NATO

    Tuy nhiên, nhiều chỉ dấu chứng tỏ NATO dường như đang chật vật để giữ được sự cân bằng ảnh hưởng giữa "xanh" và "đỏ" sao cho không đi quá các giới hạn buộc Nga phải hành động vượt quá khả năng kiểm soát.

    Khác với các nhận định cho rằng khối NATO đang được lợi khi mỗi lần "bật đèn xanh" về giới hạn vũ khí cho Ukraine thì chỉ nhận lại những diễn ngôn răn đe về "lằn ranh đỏ" từ phía Nga, thực tế NATO đang phải chịu nhiều áp lực rất lớn.

    Thứ nhất, cũng là quan trọng nhất, chính là áp lực trực tiếp từ chính quyền Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Trong bối cảnh ngày càng nhiều quan chức Ukraine quy kết sự yếu kém của quân đội nước này trong nỗ lực phòng thủ ở khu vực Kharkov đều xuất phát từ phía chính quyền Tổng thống Joe Biden, khi Washington ban đầu lưỡng lự không cho Ukraine được sử dụng vũ khí của Mỹ để tấn công sang lãnh thổ của Nga.

    Đối với chiến thuật chuyển trọng tâm vào sử dụng các loại bom lượn để tấn công tầm xa thay vì xâm chiếm và kiểm soát lãnh thổ, mặt trận Kharkov dường như đang được phía Nga củng cố cho mục tiêu xây dựng một "vùng đệm".

    Do đó, thực trạng thiếu thốn khí tài phòng không lẫn các quy định hạn chế từ phía Mỹ đã bị phía Ukraine chỉ trích mạnh mẽ khi đề cập đến những mục tiêu "được định vị dễ dàng" ở sâu 40km (25 dặm) bên kia biên giới Nga nhưng lại không thể tấn công, dẫn đến sự sụp đổ của toàn bộ mặt trận.

    Thứ hai, cũng là áp lực khó chấp nhận nhất khi quân đội Ukraine đã nhiều lần thách thức cả Mỹ và các nước đồng minh khối NATO khi gián tiếp sử dụng các loại khí tài được viện trợ để tấn công vào lãnh thổ Nga.

    Điển hình như việc các nhóm dân quân thân Ukraine đã sử dụng xe bộ binh bọc thép và một số xe Humvee do Mỹ và Ba Lan cung cấp trong cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga hồi tháng 5-2023. Hay gần đây nhất là việc Ukraine sử dụng tên lửa phòng không Patriot của Mỹ do Đức tài trợ để bắn hạ máy bay vận tải quân sự Nga IL-76 trên lãnh thổ khu vực Belgorod của nước này vào tháng 1-2024.

    Nói cách khác, Ukraine đã áp dụng đúng chiến thuật "lấn lướt từng phần" mà NATO đã áp dụng để thăm dò khả năng thực thi các "giới hạn đỏ" của Nga, nhằm thăm dò phản ứng của chính NATO khi nước này đặt mọi chuyện vào "thế đã rồi" nhưng với mức độ kém hơn và chưa đủ gây nên hậu quả thay đổi hiện trạng.

    Thứ ba là áp lực đến từ Hội nghị Hòa bình Ukraine vào ngày 15-6 sắp tới. Mặc dù đã lập tức bổ sung cấp tập các gói viện trợ quân sự với gói mới nhất trị giá 225 triệu USD được gửi vào ngày 6-6, nhưng hiện trạng thua thiệt của quân đội Ukraine ở thành phố Kharkov lớn thứ hai của nước này sẽ gián tiếp tạo dư luận bất lợi cho vị thế của cả Mỹ và khối NATO trong hội nghị hòa bình lớn nhất từng được tổ chức.

    Chính Tổng thống Zelensky đã sớm dùng hình ảnh về các thiệt hại tại Kharkov từ cuối tháng 5-2024 để kêu gọi sự ủng hộ của lãnh đạo toàn cầu ngay trước thềm hội nghị. Và nguyên nhân cho các tổn thất tại Kharkov chỉ có thể đến từ các quy định "trói tay" quân đội Ukraine khi sử dụng vũ khí của NATO.

    Nga đáp trả đối xứng

    Đứng trước tình thế NATO liên tiếp gặp áp lực phải "cởi trói" cho phạm vi sử dụng vũ khí của Ukraine được sử dụng vũ khí để "tự vệ" khi chỉ có thể đáp trả các mục tiêu hạ tầng quân sự xác định là nguồn tấn công vào thành phố Kharkov, sự xuống nước trong diễn ngôn của Nga về việc khẳng định sẽ không tấn công trực tiếp NATO mà chỉ thay thế bằng các động thái "đáp trả đối xứng" cho thấy một dấu hiệu điều hướng rủi ro ra khỏi mặt trận Ukraine.

    Cụ thể, chuyến thăm viếng của tàu ngầm hạt nhân Kazan của Nga, tàu khu trục Đô đốc Gorshkov, tàu chở dầu Akademik Pashin và tàu kéo cứu hộ The Nikolay Chiker đến cảng Havana của Cuba từ ngày 12 đến 17-6 sắp tới kết hợp với cuộc diễn tập hải quân ở biển Caribbean với Cuba và Venezuela đang cho thấy động thái triển khai cụ thể của sự đáp trả đối xứng từ phía Nga.

    Không chỉ vậy, phía Nga còn được cho là đã lên kế hoạch cho cuộc tập trận chỉ huy và tham mưu chiến lược "Đại dương - 2024" quy mô lớn nhất trong năm 2024 này với khoảng hơn 20 cuộc diễn tập với sự tham gia của các thành viên Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Tất cả các động thái đối xứng nói trên đều có xu hướng phân tán rủi ro ra khỏi mặt trận Ukraine, nhằm giảm thiểu các tính toán sai lầm trong bối cảnh quá nhiều "giới hạn đỏ" của Nga đã bị vượt qua.

    Nhìn chung, bối cảnh áp lực gia tăng đối với trách nhiệm trước các tổn thất tăng cường của Ukraine tại mặt trận Kharkov đã khiến cho khối NATO phải "bật đèn xanh" nhiều hơn, từng bước tiến sát các "lằn ranh đỏ" mà phía Nga cảnh báo. Do đó, xu hướng phân tán rủi ro của chính quyền ông Putin lúc này cho thấy một tổng thể lập trường nhân nhượng của Nga, nhưng cũng không thể xem là thắng lợi của NATO nói chung hay Ukraine nói riêng.

    Nguồn: Tuổi trẻ

    Viết bình luận

    Chú ý: Không sử dụng các mã lệnh HTML!