• Trang chủ
  • Cần có tư duy, cách tiếp cận đột phá trong nghiên cứu triển khai dự án đường sắt tốc độ cao trục bắc-nam

    Cần có tư duy, cách tiếp cận đột phá trong nghiên cứu triển khai dự án đường sắt tốc độ cao trục bắc-nam

    0
    152

    Cần có tư duy, phương pháp luận và cách tiếp cận đột phá, đổi mới, tầm nhìn chiến lược, hiện đại, hiệu quả theo đúng tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW trong việc nghiên cứu triển khai dự án đường sắt tốc độ cao trục bắc-nam. Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam được tổ chức sáng 11/7 tại Trụ sở Chính phủ.

    Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp. Ảnh: Trần Hải.
    Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp. Ảnh: Trần Hải.

    Sau khi nghe lãnh đạo các bộ, ngành, đơn vị liên quan báo cáo, kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, về cơ sở chính trị thì chúng ta có Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; về cơ sở pháp lý, có Nghị quyết số 103/2023/QH15 ngày 9/11/2023 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024; về cơ sở thực tiễn, nhu cầu vận tải của Việt Nam rất lớn, đất nước trải dài theo hướng bắc-nam, trong khi hạ tầng giao thông chưa phát triển, chi phí logistics còn cao, khoảng 17-18% so với thế giới hiện nay khoảng 10-11%, làm cho giá thành hàng hoá cao, sức cạnh tranh có hạn. Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh cần phải phát triển logistics toàn diện, lựa chọn các phương án tối ưu, trong đó có phương án đường sắt tốc độ cao.

    Cần có tư duy, cách tiếp cận đột phá trong nghiên cứu triển khai dự án đường sắt tốc độ cao trục bắc-nam ảnh 1

    Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Trần Hải.

    Về quan điểm, nguyên tắc: tư duy, phương pháp luận và cách tiếp cận cần đột phá, đổi mới, tầm nhìn chiến lược, hiện đại, hiệu quả theo đúng tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW. Về mục tiêu, yêu cầu: Thủ tướng yêu cầu phải hoàn thành chiều dài đường sắt tốc độ cao 1.541km qua 20 tỉnh, thành phố; thời gian phấn đấu xây dựng trong 10 năm, đến năm 2035 hoàn thành. Từ đó, đối với các giải pháp, nghiên cứu hướng tuyến bảo đảm thuận lợi nhất, ngắn nhất, có thể “qua sông bắc cầu, qua núi khoét hầm, qua ruộng đắp nền”.

    Cần có tư duy, cách tiếp cận đột phá trong nghiên cứu triển khai dự án đường sắt tốc độ cao trục bắc-nam ảnh 2

    Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu ý kiến tại cuộc họp. Ảnh: Trần Hải.

    Về tốc độ, các cơ quan chức năng đều nghiêng về 350km/giờ theo xu hướng hiện nay của thế giới. Về phạm vi, vận chuyển: Thủ tướng chỉ ra chúng ta có đầy đủ các loại hình vận tải trục bắc-nam, theo đó, đường bộ có quốc lộ 1, tuyến cao tốc bắc-nam, đường Hồ Chí Minh; đường hàng không, đường biển, đường sắt hiện hữu; cho nên, phải tận dụng mọi phương thức để bổ sung cho nhau.

    Vấn đề lựa chọn loại hình vận tải theo hướng tập trung vào vận chuyển hành khách nhiều hơn, bên cạnh đó, do nhu cầu lưỡng dụng, phải kết hợp mục đích kinh tế với quốc phòng an ninh, nên phải tính cả vận chuyển hàng hoá, cùng với đó nâng cấp tuyến đường sắt hiện hữu để tập trung cho vận tải hàng hoá; triển khai quy hoạch phát triển vận tải biển để hỗ trợ vận tải đường sắt, đường bộ, đường hàng không, từ đó có sự lựa chọn chính xác. Về tổng mức đầu tư dự án, dự kiến 67 tỷ USD, Thủ tướng đề nghị cơ quan chức năng cần tính toán xem đã hợp lý chưa? Cần so sánh với tổng mức đầu tư đường sắt của Trung Quốc và các nước với tốc độ và quy mô tương tự.

    Cần có tư duy, cách tiếp cận đột phá trong nghiên cứu triển khai dự án đường sắt tốc độ cao trục bắc-nam ảnh 3

    Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu ý kiến tại cuộc họp. Ảnh: Trần Hải.

    Về phương thức huy động vốn, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta phải đa dạng hoá nguồn vốn: vốn trung ương, vốn địa phương, vốn vay, vốn phát hành trái phiếu, vốn của doanh nghiệp… thì mới làm được; quá trình làm cần tham khảo các bài học kinh nghiệm trong việc thi công Đường dây 500kV Quảng Trạch-Phố Nối; khi triển khai dự án này cần phát huy vai trò trách nhiệm của các địa phương; tính đến khả năng thu hồi vốn, tính hiệu quả về chuyên ngành, còn hiệu quả tổng hợp, vận tải, logistics… , từ đó có cơ chế, chính sách để huy động nguồn vốn, vấn đề lãi suất, cho vay, phát hành trái phiếu. Những gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ chủ động, vượt thẩm quyền mới trình.

    Cần có tư duy, cách tiếp cận đột phá trong nghiên cứu triển khai dự án đường sắt tốc độ cao trục bắc-nam ảnh 4

    Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng phát biểu ý kiến tại cuộc họp. Ảnh: Trần Hải.

    Thủ tướng yêu cầu phải bảo đảm quản lý thông minh, hiện đại, quản lý số và giảm quản lý bằng con người. Công tác đào tạo nguồn nhân lực là rất cần thiết gắn với phát triển công nghiệp đường sắt, phải có bước đi, lộ trình phù hợp; phải được chuyển giao công nghệ; hình thành ngành công nghiệp đường sắt, quy hoạch hệ sinh thái đường sắt. Thủ tướng đề nghị các cơ quan bổ sung thêm, làm rõ thêm, có tính thuyết phục của dự án, trình cấp có thẩm quyền theo Nghị quyết của Quốc hội. Thủ tướng cũng lưu ý ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng. Trên cơ sở cuộc họp này, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, hoàn thiện hồ sơ dự án cùng với các tài liệu kèm theo; hoàn thiện báo cáo, sau đó có tờ trình, từ đó có dự thảo Nghị quyết. Quá trình này cần phải bám sát tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW.

    Cần có tư duy, cách tiếp cận đột phá trong nghiên cứu triển khai dự án đường sắt tốc độ cao trục bắc-nam ảnh 5

    Đại diện lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam phát biểu ý kiến tại cuộc họp. Ảnh: Trần Hải.

    Thủ tướng lưu ý tinh thần cầu thị, lắng nghe ý kiến đóng góp của các nhà khoa học; làm tốt công tác truyền thông; Văn phòng Chính phủ tích cực phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để triển khai nhanh.

    Viết bình luận

    Chú ý: Không sử dụng các mã lệnh HTML!