Thừa nhận hành vi sai phạm là nhận tiền của đường dây buôn lậu 200 triệu lít xăng, cựu cán bộ hải quan Ngô Văn Thụy xin lỗi lãnh đạo Tổng cục vì đã làm mất uy tín ngành.
Ngày 28/11, phiên xử đại gia xăng dầu Phan Thanh Hữu (Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh), Đào Ngọc Viễn (54 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng) và 72 người trong đường dây Buôn lậu hơn 200 triệu lít xăng diễn ra phần tranh luận cuối cùng về tội danh Nhận hối lộ của Ngô Văn Thụy.
Ông Thụy bị cáo buộc đầu năm 2021 - khi là Đội Trưởng kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam (Đội 3, phụ trách khu vực từ Bình Thuận trở vào) đã nhận 800 triệu đồng của Hữu và Nguyễn Hữu Tứ để họ đưa tàu chở xăng lậu từ Singapore về Việt Nam. Với hành vi này, ông Thụy bị VKS đề nghị mức án 15-16 năm tù.
Ngô Văn Thụy nói lời sau cùng trước khi HĐXX nghị án. Ảnh: Phước Tuấn
Tự bào chữa, ông Thụy cho rằng mình có hơn 40 năm cống hiến trong ngành Hải quan, nhưng chỉ vì "một phút giây sai lầm" đã đánh mất tất cả. "Bị cáo gặp Hữu và Tứ là thời điểm Covid-19 bùng phát nặng. Một cán bộ cơ quan khai báo đi đám cưới ở Hải Dương về có tiếp xúc với bị cáo, nên gia đình bị cáo phải cách ly tập trung tại nhà. Khi phát hiện tiền các bị cáo để lại, bị cáo chỉ biết để đó chờ ra Tết xử lý, không có thời gian tâm trí nghĩ đến chuyện xử lý số tiền kia ngay", ông Thụy phân trần.
Nói lời sau cùng, cựu Đội Trưởng kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam gửi lời xin lỗi lãnh đạo Tổng cục Hải quan và anh em trong Đội 3 vì hành vi của mình làm mà liên lụy, ảnh hưởng đến uy tín của ngành. "Bị cáo rất áy náy, từ giờ đến cuối đời không có cơ hội để khắc phục. Mong HĐXX cho mức án nhẹ nhất để có thể sớm về với gia đình", Thụy nói.
Trước đó, bào chữa cho Thụy, các luật sư đồng ý với tội danh mà VKS truy tố thân chủ. Tuy nhiên, họ cho rằng hành vi phạm tội của Thụy diễn ra trong thời gian, bối cảnh đặc biệt. Bị cáo không phải nhận tiền để bỏ qua hành vi phạm tội của nhóm buôn lậu mà việc không bắt giữ tàu chở xăng là do yếu tố khách quan.
Dẫn chứng, luật sư cho biết khi Thụy cùng đội chống buôn lậu xuống Cần Thơ đã đi kiểm tra ụ nổi nhưng bất thành, đành "quay xe" đưa quân về TP HCM để qua Tết tiếp tục truy quét. Hành động này là do khách quan từ phía nguồn tin báo, không phải do Thụy nhận tiền từ Tứ và Hữu rồi đưa lực lượng về.
"Hành vi nhận tiền của Thụy là không chối cãi được và bị cáo cũng chấp nhận tội danh. Nhưng việc nhận tiền này không phải là chủ đích của bị cáo mà do Hữu và Tứ để lại. Thụy hoàn toàn không biết việc hai người này để lại tiền trong nhà mình", luật sư nói.
Ngoài ra, Thụy cũng có nhiều tình tiết giảm nhẹ như: gần 40 năm cống hiến trong ngành Hải quan, có công lớn trong đại án bắt xăng lậu tại Bình Thuận, chủ động khắc phục hậu quả... Từ đó, các luật sư đề nghị HĐXX áp dụng dưới khung hình phạt đối với Thụy.
Các luật sư bào chữa cho Ngô Văn Thụy tại toà sáng nay. Ảnh: Phước Tuấn
Cũng như Thụy, các bị cáo khác khi nói lời sau cùng đều nhận lỗi, xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt. Trong đó nhiều người xin được thay thế hình phạt tù bằng đóng tiền phạt.
Theo cáo trạng, từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021, nhóm Phan Thanh Hữu và Viễn đã dùng tàu Pacific Ocean (trọng tải 3.000 tấn), Western Sea (5.000 tấn) vận chuyển 48 chuyến xăng lậu với tổng cộng hơn 198 triệu lít, trị giá hơn 2.596 tỷ đồng về Việt Nam. Trong đó, nhóm này đã tiêu thụ hơn 197 triệu lít, thu lợi hàng trăm tỷ đồng, riêng Hữu hưởng hơn 156 tỷ.
Ngoài việc hợp tác với Hữu, cuối năm 2020, Viễn cùng Nguyễn Minh Đức và Phạm Hùng Cường (đang bỏ trốn) góp 19,3 tỷ đồng mua hai tàu biển Khánh Hòa 01 và Khánh Hòa 03 để chở xăng lậu. Sau khi tàu Pacific Ocean của Viễn chở về vùng biển Khánh Hòa, xăng sẽ được sang qua hai tàu trên, đưa vào cảng Bắc Vân Phong chở đi tiêu thụ tại Khánh Hòa và các tỉnh Nam Trung bộ. Từ tháng 2 đến tháng 4/2021, nhóm Viễn, Đức và Cường đã buôn lậu 3 chuyến, tương đương 5,7 triệu lít, trị giá gần 98 tỷ đồng
HĐXX sẽ nghị án kéo dài, dự kiến tuyên án lúc 14h ngày 5/12.