• Trang chủ
  • Các quốc gia sẽ vỡ nợ nếu Nga bị tịch thu tài sản?

    Các quốc gia sẽ vỡ nợ nếu Nga bị tịch thu tài sản?

    0
    53

    Theo cơ quan xếp hạng tín dụng Moodys và S&P Global, các quốc gia có trái phiếu Chính phủ được Nga mua sẽ không bị coi là vỡ nợ nếu các quốc gia phương Tây quyết định tịch thu khoản dự trữ đóng băng trị giá 300 tỷ USD của Nga.

    nganhangmoody

    Trụ sở ngân hàng Moody's. Ảnh AFP

    Giới quan chức Mỹ và Anh đang nỗ lực tịch thu tài sản của Moscow cố định ở Bỉ và các nước châu Âu khác. Họ đang tìm cách đảm bảo rằng Nhóm G7 sẽ tiếp tục ủng hộ họ trong các cuộc đàm phán vào tháng tới, trước thềm kỷ niệm 2 năm ngày Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine.

    Tháng 6/2022, cả Mỹ và Moody's đều đánh giá rằng Nga đã vỡ nợ trái phiếu khi các lệnh trừng phạt quốc tế ngăn cản Moscow thanh toán cho các trái chủ - một cách giải thích mà Moscow đã bác bỏ.

    Ngân hàng Trung ương Nga lập luận rằng Pháp, Đức, Anh và các quốc gia khác cũng sẽ vỡ nợ nếu trái phiếu do Nga nắm giữ bị tịch thu, do đó Nga không nhận được các khoản thanh toán đến hạn, một người quen thuộc với quan điểm của ngân hàng này nói với Reuters. Trong khi Moody's đã đưa ra một lập luận khác.

    Khi phản hồi yêu cầu bình luận của Reuters, Phó Chủ tịch cấp cao Thorsten Nestmann của Moody's Investor Service cho biết: "Xếp hạng của chúng tôi thường không phản ánh những cân nhắc cụ thể của chủ sở hữu, vì vậy chúng tôi sẽ không coi kịch bản này là vỡ nợ đối với các quốc gia này".

    Cũng chia sẻ với Reuters, ông Frank Gill, Trưởng bộ phận Xếp hạng chủ quyền EMEA tại S&P Global, cho rằng vụ việc này khó có khả năng được coi là vỡ nợ vì các khoản thanh toán lãi được thực hiện thông qua một đại lý thanh toán, rồi sẽ tiếp tục giải ngân cho các chủ nợ khác.

    Hầu hết những khoản dự trữ đóng băng của Nga được giữ bằng tiền mặt và trái phiếu chính phủ của Pháp, Đức, Anh, Áo và Canada.

    Cách giải thích của các cơ quan xếp hạng có thể xoa dịu những lo ngại xung quanh rủi ro vỡ nợ. Một số quan chức châu Âu cũng lo ngại bất kỳ hành động tịch thu tài sản nào cũng có thể tạo tiền lệ đáng lo khi các nước khác cũng sẽ đòi bồi thường đối với những hành động quân sự trong quá khứ của các nước phương Tây.

    Andrei Ryabinin, một đối tác tại công ty luật Delcredere (Nga), cho biết ông gần như chắc chắn rằng việc không thực hiện nghĩa vụ trong những trường hợp này sẽ không cấu thành vi phạm pháp luật, vì các bản cáo bạch có khả năng sẽ đưa ra các trường hợp ngoại lệ khi các lệnh trừng phạt có hiệu lực.

    Cơ quan xếp hạng đối thủ Fitch từ chối đưa ra quan điểm riêng.

    Không nhượng bộ

    Theo 4 người quen thuộc với suy nghĩ của chính phủ và ngân hàng trung ương, các nhà chức trách Nga có quan điểm riêng rằng 300 tỷ tài sản dự trữ gần như đã mất hết, nhưng họ vẫn quyết tâm thách thức pháp lý và trả đũa mạnh mẽ.

    Một trong những nguồn tin này cho biết: "Về cơ bản, mọi người đã nói lời tạm biệt với 300 tỷ dự trữ. Chắc chắn sẽ có thủ tục pháp lý theo đúng quy trình. Chúng tôi sẽ can thiệp mà không nhượng bộ".

    Nguồn tin thứ hai cho biết Nga không còn giữ số tài sản này và chắc chắn rằng các nước châu Âu sẽ không chịu nổi áp lực của Mỹ.

    Nguồn tin thứ ba cho rằng Nga khó có thể ngăn chặn việc bị tịch thu, nhưng sẽ đe dọa trả đũa như tịch thu tài sản của phương Tây bị mắc kẹt ở Nga và cắt đứt quan hệ ngoại giao với các cường quốc nước ngoài không thân thiện.

    Bộ Ngoại giao Nga gọi kế hoạch tịch thu tài sản giúp tái thiết Ukraine là "cướp biển thế kỷ 21" và cho biết Moscow sẽ trả đũa mạnh tay. Theo Điện Kremlin, châu Âu sẽ phải đối mặt với những hậu quả pháp lý "không thể tránh khỏi".

    Một nguồn tin khác nắm rõ quan điểm của Nga cho biết bất kỳ phiên tòa nào cũng có thể sẽ kéo dài trong vài năm. Thêm vào đó, vì các khoản dự trữ do ngân hàng trung ương độc lập của Nga nắm giữ nên Moscow có thể lập luận rằng số tiền này không phải là tài sản của Chính phủ Nga.

    Hiện chưa rõ Nga có thể chọn cơ quan tài phán nào để đấu tranh với vụ kiện của mình. Tuy nhiên, ông Vladimir Pestrikov, một đối tác tại công ty luật Rybalkin, Gortsunyan, Dyakin and Partners có trụ sở tại Moscow cho biết họ có thể sẽ khiếu nại lên tòa án Liên minh Châu Âu (EU).

    Ông Pestrikov cho biết: "Ngân hàng Trung ương Nga có thể tìm kiếm các biện pháp tạm thời từ tòa án EU để giữ tài sản đang bị đóng băng cho đến khi hành động của họ được giải quyết".

    Nguồn Petrotimes

    Viết bình luận

    Chú ý: Không sử dụng các mã lệnh HTML!