• Trang chủ
  • Bộ Công an đề xuất cho phạm nhân hiến mô, bộ phận cơ thể người, Bộ Tư pháp nói gì?

    Bộ Công an đề xuất cho phạm nhân hiến mô, bộ phận cơ thể người, Bộ Tư pháp nói gì?

    0
    32

    Bộ Tư pháp đang thẩm định hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì xây dựng.

    Điểm đáng chú ý tại đề nghị sửa đổi Luật Thi hành án hình sự lần này là đề xuất bổ sung quy định mới để giải quyết trường hợp phạm nhân có nguyện vọng hiến mô, một phần bộ phận cơ thể người.

    Bộ Công an đề xuất cho phạm nhân hiến mô, bộ phận cơ thể người, Bộ Tư pháp nói gì?- Ảnh 1.

    Một ca ghép tạng tại Bệnh viện Việt Đức. Ảnh: NLĐO

    Bộ Công an nêu rõ lần sửa đổi Luật Thi hành án hình sự này nhằm hoàn thiện các quy định của Luật còn vướng mắc, bất cập, để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Cơ quan này cho biết hiện chưa có quy định về quyền phạm nhân được hiến mô, bộ phận cơ thể.

    Để giải quyết bất cập này, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Bộ Công an đề xuất bổ sung quy định phạm nhân có quyền được hiến mô, một phần bộ phận cơ thể, được hưởng chế độ, chính sách theo quy định pháp luật về hiến mô, bộ phận cơ thể người. Đồng thời, bổ sung quy định về giải quyết trường hợp phạm nhân có nguyện vọng hiến mô, một phần bộ phận cơ thể con người.

    Theo đề xuất của Bộ Công an, trường hợp phạm nhân có nguyện vọng hiến mô, một phần bộ phận cơ thể con người thì cơ sở giam giữ phạm nhân phối hợp với Sở y tế trên địa bàn đơn vị đóng quân xác định cơ sở y tế có đủ điều kiện lấy mô, bộ phận cơ thể người.

    Dự thảo luật cũng quy định về quy trình thực hiện giải quyết việc thực hiện nguyện vọng của phạm nhân muốn hiến mô, một phần bộ phận cơ thể. Trong thời hạn 5 ngày, sau khi có đánh giá về tình trạng sức khỏe của phạm nhân sau khi hiến mô, một phần bộ phận cơ thể con người, Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân báo cáo cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an, cơ quan thi hành án hình sự Bộ Quốc phòng xem xét, quyết định.

    Trong thời hạn 5 ngày, sau khi nhận được báo cáo của Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân về việc hiến mô, một phần bộ phận cơ thể con người, cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an, cơ quan thi hành án hình sự Bộ Quốc phòng trả lời bằng văn bản về việc đồng ý hoặc không đồng ý. Trường hợp không đồng ý nêu rõ lý do.

    Cơ sở y tế có đủ điều kiện lấy mô, bộ phận cơ thể người phối hợp với cơ sở giam giữ phạm nhân thực hiện các trình tự, thủ tục, chế độ, chính sách đối với phạm nhân hiến mô, một phần bộ phận cơ thể theo quy định pháp luật về hiến mô, bộ phận cơ thể con người.

    Cơ sở y tế có đủ điều kiện lấy mô, bộ phận cơ thể người có trách nhiệm xác nhận về việc phục hồi sức khỏe của phạm nhân sau khi hiến mô, một phần bộ phận cơ thể con người và thông báo cho cơ sở giam giữ phạm nhân để thực hiện đưa phạm nhân về tiếp tục chấp hành án.

    Bộ Công an cũng đề xuất Chính phủ sẽ có các quy định chi tiết về việc hiến mô, tạng của phạm nhân. Theo đánh giá tác động của Bộ Công an, việc bổ sung các quy định về quyền phạm nhân hiến mô, một phần bộ phận cơ thể con người góp phần đảm bảo quyền con người, thể hiện được tính nhân văn trong xây dựng, phát triển văn hóa - xã hội và xây dựng con người.

    Cho ý kiến bước đầu về đề cương chi tiết trong hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), Bộ Tư pháp cho rằng việc đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật cần bám sát vào những hạn chế, bất cập đang gặp phải để đưa ra giải pháp khắc phục cụ thể.

    Qua rà soát, Bộ Tư pháp thấy rằng dự thảo báo cáo dự kiến sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Thi hành án hình sự như quy định về việc giải quyết trường hợp phạm nhân có nguyện vọng hiến mô, một phần bộ phận cơ thể con người. Tuy nhiên trong báo cáo của cơ quan soạn thảo khi xác định vấn đề bất cập chưa làm rõ được vướng mắc, bất cập cụ thể xuất phát từ quy định của pháp luật. Do đó, chưa có đầy đủ thông tin để đề xuất sửa đổi, bổ sung đối với các quy định này.

    Giải trình ý kiến này của Bộ Tư pháp, Bộ Công an cho biết sẽ tiếp thu và trong quá trình xây dựng hồ sơ xây dựng dự án Luật, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá về tính cần thiết trong việc bổ sung các nội dung này.

    Nguồn: Người Lao Động

    Viết bình luận

    Chú ý: Không sử dụng các mã lệnh HTML!