Theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng, vụ tấn công trụ sở xã ở tỉnh Đắk Lắk là vụ khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân có sự chỉ đạo, tiếp tay của các thế lực ở nước ngoài.
Ngày 12-7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã họp phiên thứ 24. Ông Dương Thanh Bình, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc UBTVQH, đã trình bày báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 5 và tháng 6-2023.
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình báo cáo tại phiên họp
Theo ông Dương Thanh Bình, cử tri và nhân dân vui mừng, phấn khởi về tình hình kinh tế - xã hội trong nước tiếp tục ổn định và phát triển. Cử tri vui mừng khi mức lương cơ sở tăng từ ngày 1-7-2023, đây là lần điều chỉnh tăng lương cao nhất từ trước tới nay, rất cần thiết trong thời điểm này để kịp thời hỗ trợ người lao động yên tâm làm việc sau đại dịch COVID-19, phù hợp với nguyện vọng của người dân và tình hình kinh tế - xã hội đất nước.
"Đây cũng là giải pháp nhằm đảm bảo thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, góp phần giải quyết, khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc, chuyển việc trong thời gian vừa qua. Cử tri mong muốn giá cả hàng hóa tiêu dùng ổn định sau khi lương cơ sở tăng để cải thiện đời sống"- ông Bình nhấn mạnh.
Báo cáo công tác dân nguyện cũng nêu rõ hiện nay nhu cầu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp rất lớn, tuy nhiên việc tiếp cận, thụ hưởng nhà ở xã hội gặp nhiều hạn chế, bởi nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn hẹp, giá bán còn cao, vượt quá
Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân quan tâm, lo lắng trước tình trạng thiếu điện toàn miền Bắc, việc thiếu điện và cắt điện luân phiên, đặc biệt là cắt điện không thông báo trước gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, sức khỏe và sản xuất của người dân vừa qua.
Tình hình khó khăn của nhiều doanh nghiệp do sụt giảm đơn hàng, người lao động bị mất việc, ngừng việc, giảm việc xảy ra nhiều địa phương trên cả nước cũng là vấn đề được cử tri và nhân dân quan tâm.
Theo ông Dương Thanh Bình, tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở nước ta đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng, tập trung chủ yếu ở lứa tuổi thanh, thiếu niên và nguy hiểm hơn là ma túy trá hình thuốc lá điện tử đang len lỏi vào trong các trường học, ảnh hưởng đến sức khỏe và nhận thức đối với thế hệ trẻ. Đây là thực trạng mà cử tri và nhân dân rất lo lắng, đề nghị sớm có giải pháp ngăn chặn, khắc phục.
Ban Dân nguyện kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp đấu tranh, truy bắt các đối tượng đã gây ra vụ việc tấn công vào trụ sở UBND xã Ea Tiêu, Ea Ktur, huyện Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk) vào rạng sáng 11-6 để xử lý nghiêm theo quy định.
Cùng với đó, sớm có giải pháp ổn định tình hình, tư tưởng trong quần chúng nhân dân, đảm bảo kiểm soát tình hình an ninh, trật tự tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung; quan tâm hơn nữa đến đời sống đồng bào các tỉnh Tây Nguyên.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng phát biểu tại phiên họp
phiên thảo luận, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết sau khi xảy ra vụ việc tại Đắk Lắk, Bộ Công an đã chủ trì, huy động lực lượng, phương tiện, quyết tâm bắt hết toàn bộ đối tượng, thu hồi triệt để các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Đến nay, Bộ Công an đã bắt trên 90 đối tượng, truy nã đặc biệt 5 đối tượng liên quan về các tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; tội không tố giác tội phạm và tội môi giới xuất cảnh nhập cảnh vào Việt Nam trái phép. Theo ông Hùng, đây là vụ khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân có sự chỉ đạo, tiếp tay của các thế lực ở nước ngoài.
Với hàng loạt biện pháp đã được triển khai kịp thời, nhanh chóng, đến nay đã ổn định địa bàn 2 xã, vùng phụ cận, các hoạt động trở lại bình thường. Bộ Công an đang tham mưu, để có giải pháp tổng thể, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân...
Thứ trưởng Bộ Công an cũng đề nghị quan tâm chỉ đạo, rà soát, thúc đẩy hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là vùng Tây nguyên và vùng phụ cận, tập trung xóa đói giảm nghèo bền vững, chăm lo phát triển đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc ít người…
Theo ông Lê Quốc Hùng, nguồn lực của ba chương trình này có nhưng việc triển khai còn rất chậm, cần rà soát văn bản, cơ chế chính sách, để các chương trình sớm đi vào cuộc sống, nhất là vùng Tây Nguyên.
Nguồn Người lao động