Sau hơn 2 tháng đình chỉ hoạt động các phương tiện thủy nội địa vận chuyển khách không đủ điều kiện để đăng ký, đăng kiểm, người dân nhiều nơi trên địa bàn TP Quy Nhơn rơi vào cảnh thiếu phương tiện để di chuyển.
Đình chỉ phương tiện vận chuyển khách không đủ điều kiện
Nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa, ngày 10/3, UBND tỉnh Bình Định có văn bản yêu cầu UBND TP Quy Nhơn đình chỉ hoạt động 74 phương tiện đường thủy nội địa vận chuyển khách không đủ điều kiện để đăng kiểm, đăng ký. Trong đó, phường Hải Cảng có 55 phương tiện, xã Nhơn Châu có 5 phương tiện, xã Nhơn Hải có 14 phương tiện.
Đồng thời, TP Quy Nhơn cần rà soát, yêu cầu phương tiện thủy nội địa phải hoạt động đúng vùng được ghi trong Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; chấm dứt tình trạng các cá nhân hoạt động kinh doanh vận tải bằng đường thủy nội địa tự phát trên địa bàn.
Người dân đảo Hải Minh phụ thuộc vào những chiếc đò dân sinh để vào đất liền. Ảnh: Diễm Phúc
UBND TP Quy Nhơn đã có văn bản đình chỉ các phương tiện vận chuyển nêu trên để đảm bảo an toàn cho người dân khi tham gia giao thông đường thủy nội địa. Tuy nhiên, đến nay, địa phương này chưa có giải pháp khắc phục khó khăn phát sinh cho người dân.
Trước đây, hơn 1.800 nhân khẩu đảo Hải Minh (phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn) hoàn toàn phụ thuộc vào những chiếc đò dân sinh để vào đất liền. Tất cả các phương tiện này đều không đáp ứng các điều kiện kỹ thuật để đăng ký, đăng kiểm.
Trong khi đó, nguồn thu từ hoạt động vận tải thấp, không đủ chi phí, người dân không đủ khả năng mua mới phương tiện đủ điều kiện hoạt động theo quy định.
Một góc Nhơn Châu. Ảnh: Diễm Phúc
Ông Đỗ Ngọc Vũ (50 tuổi, phường Hải Cảng) hành nghề lái đò tại bến Hàm Tử - Hải Minh chia sẻ: “Hôm nào đông thì chở 5-6 lượt, ngày vắng khách chỉ được 1-2 lượt. Với mỗi lượt, tôi thu người dân 3.000 đồng, học sinh 1.000 đồng, ai bao thuyền thì 50.000 đồng. Tôi chủ yếu chở người dân chứ khách rất ít.
Thu thấp như vậy nên chúng tôi lấy đâu ra tiền mà làm đăng ký, đăng kiểm. Nay đình phương tiện thì người dân gặp khó khăn khi di chuyển”.
Tiền đâu đi ca nô 150.000 đồng/người?
Một lãnh đạo phường Hải Cảng cho hay: “Chúng tôi đang bàn bạc, tìm giải pháp tháo gỡ cho người dân, hướng tới mở lớp để đào tạo cấp chứng chỉ chuyên môn, còn về đăng ký, đăng kiểm thì chờ giải pháp”.
Tại xã Nhơn Châu, TP Quy Nhơn, những giải pháp đưa ra cũng chỉ là tạm thời. Hiện nay người dân vẫn gặp khó khăn di chuyển khi các phương tiện đủ điều kiện lại không đủ số lượng để vận chuyển.
Cả xã này có 567 hộ, 2.278 nhân khẩu. Người dân thường xuyên vận chuyển hải sản và các hàng hóa ra ngoài buôn bán. Thế nhưng, bây giờ họ phải phụ thuộc vào một chiếc ca nô 70 chỗ có máy dầu để vào đất liền. Chiếc ca nô này mỗi ngày chỉ chạy một chuyến.
Những chuyến ca nô cuối cùng sắp xuất bến nhưng nhiều người phải ở lại vì hết chỗ. Ảnh: Diễm Phúc
Những lúc tàu hỏng, người dân phải di chuyển bằng ca nô phục vụ du lịch nhưng giá thành cao và không đủ chỗ.
Theo ghi nhận, khoảng 2h chiều ngày 22/5, những chuyến ca nô cuối cùng trong ngày vận chuyển hành khách rời đảo Nhơn Châu để vào bờ. Tuy nhiên, số lượng người dân có nhu cầu vào bờ rất đông, có người vì việc gấp đã ra sức năn nỉ chủ tàu cho lên ca nô nhưng bị từ chối vì quá tải.
Một người dân địa phương cho biết, hôm nay do chiếc ca nô chạy bằng máy dầu chở người dân bị hỏng máy nên mọi người phải mua vé lên ca nô du lịch để đi. “Đi ca nô du lịch tốn 150.000 đồng/người, đâu phải ai cũng có tiền đi được”, người này cho hay.
Kiến nghị sớm gỡ khó cho người dân
Chủ tịch UBND xã Nhơn Châu Hồ Nhật Lệ cho biết, trước đây người dân địa phương di chuyển bằng 5 chiếc đò dân sinh. Tuy nhiên, 5 đò này đã hết thời gian đăng kiểm, chưa được đăng kiểm lại do không đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định. Để đủ điều kiện thì người dân phải bỏ ra một số tiền rất lớn, đây là khó khăn không thể khắc phục ngay được.
UBND TP Quy Nhơn đã tạm thời gỡ khó cho xã Nhơn Châu bằng cách cho một chủ đò đảm bảo điều kiện vận chuyển hàng hóa được chạy 2 ngày một chuyến để đáp ứng nhu cầu về nhu yếu phẩm cho người dân và chở hàng hóa, sản phẩm vào đất liền.
Ngoài ra, xã đã liên hệ với một chủ ca nô 70 chỗ chạy máy dầu để hỗ trợ người dân đi lại, giá vé 100.000 đồng/người. Sau đó, xã lập danh sách những người sinh sống trên đảo để hỗ trợ lại 50.000 đồng/người.
Trong thời gian này, UBND xã Nhơn Châu cũng đề nghị 5 chủ phương tiện tiếp tục hoàn thiện đăng ký, đăng kiểm để hoạt động trở lại. Tuy nhiên, do số tiền quá lớn nên người dân tiếp tục chờ hướng dẫn.
“Địa phương đã báo cáo lên Phòng Quản lý đô thị đề xuất UBND TP Quy Nhơn kiến nghị Ban An toàn giao thông tỉnh cùng bên đăng kiểm có hướng giải quyết để tháo gỡ về thủ tục cho người dân”, Chủ tịch UBND xã Nhơn Châu Hồ Nhật Lệ cho hay.
Nguồn Vietnamnet