Theo Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Văn Nên, nếu các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 không thực hiện tốt, tình hình sẽ rất căng thẳng nếu chủng Omicron xuất hiện tại Việt Nam hoặc có mặt tại TPHCM, vì biến chủng mới lây lan nhanh hơn gấp nhiều lần so với các chủng cũ.
Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Văn Nên
Sáng 20/12, tại buổi trao quyết định cán bộ, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đã yêu cầu tân Bí thư Quận uỷ quận 10 Lê Văn Minh tập trung giải quyết nhanh nhất chính sách hỗ trợ đội ngũ tuyến đầu chống dịch COVID-19 ở cơ sở để lực lượng này yên tâm công tác.
Bí thư TPHCM đề nghị lãnh đạo quận 10 phải chuẩn bị chiến lược bảo vệ nhóm người có nguy cơ cao như tập trung tiêm vét vắc xin, tiêm mũi bổ sung, tăng cường cho người dân, cấp ngay thuốc điều trị khi phát hiện F0…
"Tết năm nay, nếu như chúng ta không muốn phục hồi các biện pháp giãn cách căng thẳng như trước, chỉ có một cách là củng cố nội lực từ chính bên trong. Đây là điều kiện tiên quyết cũng là lợi thế của TPHCM" - Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên. |
Đặc biệt, lưu ý quận 10 đang là “vùng cam” duy nhất của thành phố, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên đề nghị lãnh đạo địa phương phát huy vai trò của lực lượng tại chỗ, hệ thống y tế tư nhân, các nhà thuốc tây… cùng tham gia phòng, chống dịch COVID-19 nhằm giảm áp lực cho hệ thống y tế cơ sở.
Người đứng đầu Đảng bộ TPHCM nhấn mạnh, để đạt được các mục tiêu phục hồi, phát triển kinh tế, TPHCM cần chuẩn bị để ứng phó với biến chủng mới Omicron.
Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Văn Nên cho biết, sáng 20/12, biến chủng Omicron đã có mặt ở khoảng 90 quốc gia, vùng lãnh thổ. Một số nơi đã có những quy định nghiêm ngặt hơn, siết chặt các hoạt động.
“Nếu các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn không được thực hiện tốt, tình hình sẽ rất căng thẳng, nếu biến chủng mới tới Việt Nam hoặc có mặt tại địa bàn TPHCM. Qua các số liệu của một số nước, biến chủng Omicron có sự lây lan hơn gấp nhiều lần so với các chủng cũ”, ông Nên cảnh báo và cho rằng, trong giai đoạn này, mọi người dân cần phải thay đổi tâm thế, thói quen để thích ứng với việc sống chung với COVID-19, ngay cả khi có biến chủng mới.
Người dân cần hạn chế thói quen để bảo vệ chính mình, người thân bên cạnh và cộng đồng, từ đó toàn xã hội mới có thể tiến tới thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh
"Tết năm nay, nếu như chúng ta không muốn phục hồi các biện pháp giãn cách căng thẳng như trước, chỉ có một cách là củng cố nội lực từ chính bên trong. Đây là điều kiện tiên quyết cũng là lợi thế của TPHCM", ông Nên nhấn mạnh.
Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, khi phát hiện những trường hợp F0, các loại thuốc cần được cấp phát ngay để kéo giảm tỷ lệ nguy cơ nặng, tử vong. Trước tình trạng nhiều ca mắc COVID-19 chưa được tiếp cận thuốc, ông đề nghị tổ y tế lưu động các địa phương quan tâm, tư vấn, hỗ trợ cho các F0 khi thực hiện cách ly tại nhà khi được yêu cầu, phát huy phương châm “ba tại chỗ”.
TPHCM đang thực hiện tiêm vắc xin vét, tiêm mũi tăng cường cho người dân để nâng cao sức đề kháng với dịch bệnh
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cũng lưu ý khoảng 50% trường hợp tử vong do COVID-19 là người chưa được tiếp cận vắc xin. Những trường hợp chưa tiêm chủng hầu hết là do chống chỉ định, cơ địa chưa tiêm được, người dân không muốn tiêm… TPHCM đang rà soát, thống kê để có phương án bảo vệ bởi những trường hợp trên nếu mắc COVID-19 sẽ có tỷ lệ diễn biến nặng và tỷ lệ tử vong ở mức cao.
Theo thông báo về cấp độ dịch mới nhất của UBND TPHCM, trong tuần qua, quận 10 là địa phương duy nhất tăng cấp độ dịch từ cấp 2 lên cấp 3. Quận 10 chỉ có một phường là vùng xanh (chiếm tỷ lệ 7%), 6 phường là vùng cam (43%) và 7 phường là vùng vàng (50%). Ba địa phương giảm cấp độ dịch là quận 3, 4, huyện Cần Giờ. |
“Ngành y tế đã đưa ra nhiều lời khuyên cho nhóm này, trong đó có việc hạn chế tiếp xúc, giao lưu, đi lại. Khi thực hiện giãn cách, họ rất an toàn vì chỉ ở nhà, không đi đâu. Khi kết thúc giãn cách, chính những người thân, khỏe mạnh lại mang mầm bệnh từ bên ngoài lây cho ông bà, cha mẹ, cô bác qua tiếp xúc. Bảo vệ những người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc COVID-19 là trách nhiệm chính của những người xung quanh, chứ không phải bản thân họ”, ông Nên khẳng định.
Theo Chủ tịch UBND quận 10 Nguyễn Thị Thu Hường, căn cứ thông báo cấp độ dịch trong tuần qua, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn quận 10 có sự gia tăng khiến địa phương tăng cấp độ dịch từ cấp độ 2 lên cấp độ 3. Tuy nhiên, bà cho rằng sự gia tăng số ca F0 trên địa bàn không nằm ngoài tầm kiểm soát.
Cụ thể, sau khi test nhanh phát hiện ca dương tính, quận 10 sẽ thực hiện xét nghiệm khẳng định và tập trung ngay chăm sóc, điều trị. Việc tăng cấp độ dịch của quận 10 đến từ lý do chủ yếu là tăng cường tầm soát nhóm nguy cơ cao, không phải sự lây lan do tiếp xúc, giao lưu qua lại trong cộng đồng.
Theo Huy Thịnh (Tiền Phong)