• Trang chủ
  • Bị ép lao động khổ sai trên tàu cá

    Bị ép lao động khổ sai trên tàu cá

    0
    89

    Ngư dân làm việc trên tàu cá 20 giờ/ngày nhưng chỉ được ăn 1 bữa, không được trả tiền công còn bị đánh đập

    Sau gần 3 năm xác minh nguồn tin tố giác tội phạm của nhóm ngư dân bị chủ tàu đánh đập, ép lao động khổ sai và quỵt tiền công lao động, ngày 31-5, thượng tá Đoàn Quốc Thắng - Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang - cho biết đã phục hồi điều tra và khởi tố vụ án "Cố ý gây thương tích".

    Bị đánh đập tàn nhẫn

    Khoảng tháng 2-2021, qua môi giới trên mạng xã hội, được hứa hẹn trả lương cao, các ngư dân Đoàn Quang Trung (SN 1986, phường Thị Cầu, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh); Đỗ Thanh Hợp (SN 1993, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp); Lê Văn Quý (SN 1993, xã Ô Long Vĩ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) và Cao Quang (SN 2000, dân tộc Raglai, xã Khánh Thành, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa) đã lần lượt đến cảng cá Tắc Cậu, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang để chuẩn bị lên tàu đi đánh cá.

    Ngày 17-2-2021, anh Trung và anh Hợp được môi giới đưa xuống một tàu cá của Cà Mau, không nhớ rõ số tàu, do ông Trần Văn Ngộ ở huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang làm thuyền trưởng.

    "Khi lên tàu, ông Ngộ hứa hẹn sẽ chuyển khoản cho gia đình mỗi người 20 triệu đồng tiền lương và sau 3 tháng làm việc sẽ chia thêm tiền" - anh Trung kể. Công việc của nhóm ngư dân là phụ ghe, kéo lưới…

    Khi tàu ra khơi, lúc này ông Ngộ và em trai ông Ngộ lộ mặt của những kẻ bóc lột lao động. "Chúng tôi bị ép làm việc 20 giờ/ngày, người nào chậm chạp thì bị đánh đập dã man bằng tuýp sắt, dây thừng và dùng dao đe dọa tính mạng" - anh Trung kể.

    Anh Quý và anh Quang cũng được đưa xuống tàu ông Ngộ sau anh Trung và anh Hợp khoảng 45 ngày, từ một tàu cá khác. Anh Quý cho biết anh được một người môi giới tên Lái (khai tại cơ quan điều tra là Kiệt) đưa xuống tàu với lời hứa trả công 20 triệu đồng cho 100 ngày đi đánh bắt ngoài khơi. "Lái nói sợ tôi nhận tiền rồi bỏ trốn nên khi tàu ra khơi khoảng 4-5 ngày mới chuyển 20 triệu đồng vào số tài khoản của người nhà tôi. Tôi được đưa xuống 1 tàu không nhớ rõ số. Khi ra khơi thì họ chuyển tôi qua tàu ông Ngộ làm thuyền trưởng. Tại đây tôi may mắn được giao việc nấu ăn nên ít bị đánh nhưng ngày nào cũng chứng kiến các anh em khác bị đánh đập dã man" - anh Quý kể.

    Những ngư dân này cho biết thuyền trưởng Ngộ có giữ một vật giống súng nên không ai dám chống cự. "Họ bắt chúng tôi làm việc quần quật cả ngày lẫn đêm, một ngày chỉ cho ăn 1 lần với cá tạp, cá vụn. Khi anh em kiệt sức làm không nổi thì bị đánh. Bị thương thì anh em chia nhau thuốc giảm đau uống, nén đau mà làm việc" - anh Quý kể tiếp.

    Anh Lê Văn Quý và anh Đoàn Quang Trung thuật lại chuyện bị ép lao động khổ sai trên tàu cá

    Anh Lê Văn Quý và anh Đoàn Quang Trung thuật lại chuyện bị ép lao động khổ sai trên tàu cá

    Trở về từ cõi chết

    Các ngư dân kể lại rằng có lần anh Trung do thức mấy đêm liền để làm việc, sắp ngất nên ngồi bệt tựa lưng vào vách ca bin nghỉ thì bị em ông Ngộ đá vào ngực khiến anh Trung ngất lịm.

    Trong số những người bị đánh đập, đáng thương nhất là anh Hợp, người xanh xao, ốm yếu vì bị đánh trong thời gian dài. Trước khi lên tàu ông Ngộ, anh Hợp đã lênh đênh trên biển suốt hơn 1 năm trời, bị chuyển từ tàu này sang tàu khác và hứng chịu đủ loại cực hình. Có lần không chịu nổi anh phải nhảy xuống biển tẩu thoát, rất may là có một tàu khác phát hiện cứu vớt. Nhưng rồi, lại bị trả về tàu ông Ngộ, tiếp tục hứng chịu những trận đòn chí tử.

    Người quen của anh Hợp cho biết sau khi thoát khỏi chuyến biển kinh hoàng, anh Hợp xin vào làm việc ở một xưởng cơ khí tại TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Hằng ngày anh Hợp nói lảm nhảm, đi đâu cũng xưng là giám đốc công ty, có dấu hiệu tâm thần. Sau đó, anh Hợp nghỉ làm về quê nhà ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp sinh sống.

    Cũng theo nhóm ngư dân này, sau khi hết thời hạn hợp đồng, thuyền trưởng Ngộ không cho họ vào bờ mà bắt phải sang tàu số hiệu CM 95060 TS neo ở khu vực đảo Hòn Chuối của tỉnh Cà Mau, để tiếp tục lao động khổ sai.

    Vào khoảng 20 giờ ngày 18-5-2021, nhóm ngư dân rủ nhau nhảy xuống biển tìm đường tẩu thoát. Sau gần 1 ngày lênh đênh trên biển, khoảng 17 giờ ngày 19-5-2021, họ được một tàu khác đến cứu vớt trong tình trạng suy nhược cơ thể và sau đó cũng bị trả về tàu CM 95060 TS.

    Một ngư dân đi trên tàu CM 95060 TS thấy tình hình nguy hiểm đã gọi điện báo cho Bộ đội Biên phòng Cà Mau nhờ giải cứu và cho họ vào bờ. Thế nhưng bị người của thuyền trưởng Ngộ phát hiện, thu hết điện thoại, đánh đập, rồi dùng dao khống chế, đưa sang tàu CM 99127 TS đi tiếp.

    Đến ngày 9-7-2021, lợi dụng tàu cặp cảng cá Tắc Cậu để sửa chữa, nhóm ngư dân đã trốn thoát, liên lạc người nhà trình báo công an. Tuy nhiên, do không có clip ghi lại sự việc nên quá trình điều tra gặp nhiều khó khăn. "Những vụ việc như vậy xảy ra trên biển rất khó thu thập chứng cứ và phục dựng hiện trường. Do đó, quá trình điều tra bị kéo dài vì phải tạm đình chỉ một thời gian để thu thập chứng cứ. Vừa qua, chúng tôi đã cho nhóm ngư dân và ông Ngộ cùng một số đối tượng môi giới đối chất tại cơ quan công an. Bước đầu phía ông Ngộ và môi giới thừa nhận hành vi vi phạm và muốn khắc phục hậu quả" - một điều tra viên cho hay. 

    Nguồn: Người Lao Động

    Viết bình luận

    Chú ý: Không sử dụng các mã lệnh HTML!