Ngày 16-11, TAND TP.HCM mở phiên xử vụ lừa đảo và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đối với 10 bị cáo trong sai phạm hoán đổi nhà, đất tại 57 Cao Thắng lấy nhà đất tại 185 Hai Bà Trưng.

Đây là lần mở tòa đầu tiên sau lần dừng phiên xử vào tháng 3, trả hồ sơ để điều tra bổ sung tám vấn đề quan trọng của vụ án.

Cung cấp 18 trang tài liệu mới

VKS cáo buộc bà Dương Thị Bạch Diệp (giám đốc Công ty Diệp Bạch Dương) lừa đảo khiến bị hại Trung tâm ca nhạc nhẹ mất quyền kiểm soát đối với nhà, đất tại 185 Hai Bà Trưng, thiệt hại 186 tỉ đồng. Ông Nguyễn Thành Tài (cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM) và các thuộc cấp có các sai phạm trong việc ký duyệt và làm thủ tục hoán đổi nhà này là thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng. 


Bà Dương Thị Bạch Diệp. Ảnh: NGUYỆT NHI

Là người bước lên bục khai báo đầu tiên, nữ bị cáo 73 tuổi, đại gia bất động sản có tiếng trong bao năm qua, không đồng ý với cáo buộc mình là kẻ lừa đảo. “Tôi là người mang tiếng lừa đảo nên hãy cho tôi được trình bày sự thật. Hàng loạt chứng từ trong vụ án này đã bị làm giả. Tôi không thế chấp nhà tại 57 Cao Thắng cho ngân hàng. Tôi bị ngân hàng gài bẫy…” - bị cáo Diệp nói to.

Bị cáo này cho rằng cáo trạng quy buộc là không đúng. “Tất cả chứng từ trong vụ án là giả mạo và tôi cũng không mua chuộc hay sử dụng các mối quan hệ để được hoán đổi tài sản. Người ta có hơn 5.000 bút lục để bắt tôi nhưng tôi chỉ có 18 trang tài liệu trên tay” - nữ bị cáo nói.

Theo đó, bị cáo Diệp cho rằng 18 trang giấy trên tay là chứng minh ngân hàng đã câu kết với kế toán công ty của bà để làm giả hợp đồng. Bí mật nằm trong công ty bà hơn 10 năm. Bà có đầy đủ bản chính về khoản vay 6.700 lượng vàng. Bà cho rằng có ký giấy tờ nhận nhưng chưa nhận, chưa lấy một lượng vàng nào. Đáng chú ý, bà Diệp cho rằng không có tài sản thế chấp cho Ngân hàng NN&PTNT. Từ đó, bà cho rằng vay nhận nợ đầy đủ, hợp đồng bị đánh tráo về nghĩa vụ đảm bảo. Bà Diệp khẳng định: “Bị cáo không lừa ai”.

Sau đó, bị cáo Diệp còn trình bày nhiều nội dung đã nói trong lần ra tòa trước cùng một số việc bị cho là “không liên quan đến vụ án” nên chủ tọa đã lưu ý, yêu cầu chỉ khai những vấn đề mới chưa được làm rõ. Đồng thời, chủ tọa yêu cầu nữ bị cáo đưa tài liệu cho luật sư của mình để sử dụng trình cho HĐXX, VKS đánh giá cho đúng. Cạnh đó, HĐXX cũng nhắc luật sư tư vấn lại cho nữ bị cáo về lời khai căn nhà tại 185 Hai Bà Trưng thời điểm đó bán ve chai không được 50.000 đồng.

 Tòa không đồng ý nhận tài liệu bản sao

Đáng chú ý, sau phần xét hỏi các bị cáo, HĐXX dành thời gian cho bị cáo Diệp tiến hành trao 18 trang tài liệu bản chính dưới sự hỗ trợ của luật sư. Đồng thời, thư ký phiên tòa lập biên bản việc giao chứng cứ cùng sự chứng kiến của đại diện VKS tại phòng xử. 

Trước đó, luật sư đề nghị cho thân chủ mình chỉ nộp bản phôtô nhưng HĐXX không đồng ý. Tòa giải thích chứng cứ trong vụ án phải là bản chính, lưu giữ tại hồ sơ vụ án. Tài liệu phôtô không phải là căn cứ để các cơ quan tiến hành tố tụng đánh giá…

 

Bị cáo Nguyễn Thành Tài xin làm rõ trách nhiệm

Trước đó, luật sư có ý kiến về việc cần có mặt của Văn phòng công chứng số 1. HĐXX xác định đã nhận đơn xin xét xử vắng mặt của đơn vị này và họ đề nghị sử dụng lời khai trong quá trình điều tra.


Ông Nguyễn Thành Tài nói không thoái thác trách nhiệm: Ảnh: NGUYỆT NHI . 

Xin 5 phút để được nói, cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài khai: “Tôi không thoái thác trách nhiệm mà chỉ xin làm rõ mức trách nhiệm và hậu quả vụ án không phải từ hành vi của tôi”.

Ông Tài giãi bày sự việc xảy ra trong thời gian dài suốt hai nhiệm kỳ. Bị cáo không được phân công phụ trách lĩnh vực này nhưng là người gặp trực tiếp ông Vy Nhật Tảo và nhận đơn trình bày của Công ty Diệp Bạch Dương. Với cương vị phó chủ tịch, ông gặp xin ý kiến ông Lê Hoàng Quân. Việc này ông cho rằng mình chỉ là người báo, không suy nghĩ tới việc sai, ông Quân đã đồng ý thì sẽ thực hiện. Dựa theo kết quả cơ quan tham mưu, mỗi bước thực hiện, ông có báo cáo với chủ tịch TP.HCM. Tới ngày về hưu, việc ông làm chỉ dừng lại ở chủ trương chứ chưa có việc dịch chuyển tài sản. Đến năm 2013, việc hoán đổi tài sản của bị cáo Diệp với tài sản nhà nước mới được thực hiện.

Tương tự, các bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ các sở, ngành đều thừa nhận khi làm việc với cơ quan điều tra mới nhận thức được hành vi tham mưu cho lãnh đạo TP ký duyệt và hoàn thành thủ tục hoán đổi là trái quy định.

 Các hành vi bị truy tố

Trong vụ án này, ông Nguyễn Thành Tài và các cấp dưới bị truy tố đưa ra xét xử theo khoản 2 Điều 285 BLHS năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 có mức hình phạt 3-12 năm tù. Bà Dương Thị Bạch Diệp bị cáo buộc theo điểm a khoản 4 Điều 174 BLHS năm 2015 có khung hình phạt 12-20 năm tù hoặc tù chung thân.

Cáo trạng nêu năm 2008, biết Trung tâm ca nhạc nhẹ TP.HCM có nhu cầu xây dựng mới nhưng gặp khó khăn về kinh phí, bà Diệp đã đề nghị với ông Vy Nhật Tảo được hoán đổi trụ sở này với khu đất tại 57 Cao Thắng (rộng 1.040 m2).

Ông Nguyễn Thành Tài khi nghe ông Tảo và bà Diệp trình bày về đề nghị hoán đổi thì đã đồng ý. Do không thuộc lĩnh vực mình phụ trách, ông Tài báo cáo chủ tịch UBND TP.HCM lúc đó là ông Lê Hoàng Quân và được chấp thuận. Ông Quân giao ông Tài trực tiếp chỉ đạo việc hoán đổi này.

Ông Tài sau đó đã chấp thuận chủ trương và chỉ đạo các sở, ban, ngành thực hiện thủ tục. Khi UBND TP.HCM đề nghị xác lập quyền sở hữu nhà nước tại địa chỉ 57 Cao Thắng cho Trung tâm ca nhạc nhẹ sử dụng thời gian lâu dài thì mới phát hiện tài sản này đã bị bà Diệp thế chấp ngân hàng. Ông Tài và những người liên quan đều thừa nhận sai phạm và cho rằng không được bà Diệp thông báo việc tài sản hoán đổi (khu đất tại 57 Cao Thắng) đã bị thế chấp.

HOÀNG YẾN/phapluattphcm