Ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới sắp mạnh lên thành bão số 4, nhiều địa phương ở miền Trung bắt đầu có mưa lớn kéo dài làm ngập cục bộ.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, từ 6 giờ ngày 18-9, các tỉnh thành ở khu vực miền Trung như Đà Nẵng, Thừa Thiên- Huế, Quảng Trị, Quảng Nam trời bắt đầu mưa xối xả khiến nhiều nơi bị ngập nặng.
Quảng Nam: Mưa lớn trên diện rộng
Tại tỉnh Quảng Nam, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ rạng sáng 18-9 đã xảy ra mưa vừa trên diện rộng và kéo dài liên tục.
Theo bản tin của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam sáng 18-9, từ ngày 18 đến 20-9, các địa phương trong tỉnh có nguy cơ xảy ra một đợt mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, cường độ mưa to tập trung chủ yếu vào đêm 18 đến ngày 19-9.
Tổng lượng mưa các địa phương vùng đồng bằng ven biển phổ biến từ 80 – 120 mm, có nơi trên 150 mm; các địa phương vùng núi phổ biến từ 100 – 200 mm, có nơi cao hơn 250 mm.
Trong 24 giờ tới, vùng biển ven bờ Quảng Nam có mưa rào rải rác và dông, trong cơn dông cần đề phòng khả năng xảy ra lốc xoáy, sét và gió giật mạnh. Đề nghị thông báo cho tàu thuyền đang hoạt động trên vùng biển khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm khu vực quần đảo Hoàng Sa) và vùng biển từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi (bao gồm đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Cồn Cỏ) có biện pháp phòng tránh gió mạnh và sóng biển cao.
Trước đó, ngày 16-9, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành công điện về việc tập trung ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện các nội dung cụ thể để chủ động ứng phó với thời tiết cực đoan do ảnh hưởng của mưa bão…
Thừa Thiên - Huế: Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch tỉnh nếu lơ là chống bão số 4
Ngày 18-9, để ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão số 4, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, đã có công điện khẩn gửi các sở, ban, ngành, địa phương về công tác ứng phó.
Công điện khẩn nêu rõ thủ trưởng các đơn vị trên phải chủ động tổ chức theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão và tình hình mưa lũ; kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm "bốn tại chỗ" theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân. Chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và pháp luật nếu thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo dẫn đến sự cố công trình, gây thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng của nhân dân, tài sản của nhà nước, nhân dân.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, từ ngày 19 đến 21-9, tại địa phương này có mưa vừa, rải rác mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa phổ biến 100-200 mm, có nơi trên 300 mm. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn là cấp 1.
Mưa lớn có khả năng gây ra lũ, lũ lụt, lũ quét, sạt lở, trượt lở đất đá ở vùng đồi núi và ven các sông suối nhỏ ở các huyện A Lưới, Nam Đông, Phong Điền, Phú Lộc, thị xã Hương Trà... Vì vậy, cần chủ động đề phòng mưa với cường độ trên 50 mm/1 giờ có nguy cơ gây ngập úng đô thị và những nơi có hệ thống thoát nước kém ở một số huyện, thị xã và TP Huế.
Tính đến sáng nay, trong tổng số phương tiện tàu cá của địa phương là 1.884 hiện còn một tàu với 9 lao động đang trên vào đến bờ. Lực lượng bộ đội biên phòng đang tiếp tục phát thông tin, thông báo cho các phương tiện trên nắm diễn biến tình hình của áp thấp nhiệt đới. Có 23 tàu cá ngoại tỉnh với 194 lao động vào neo đậu ở Thừa Thiên - Huế. Còn tại cảng Thuận An và cảng Chân Mây có 21 tàu hàng với 190 thuyền viên neo đậu.
Quảng Trị: Ban hành công điện hỏa tốc ứng phó mưa bão
Ngày 18-9, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, xác nhận tỉnh này vừa ban hành công điện hỏa tốc về việc chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) có khả năng mạnh lên thành bão.
Theo đó, để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, thực hiện Công điện số 97/CĐ-TTg ngày 17-9 của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, TP theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo về diễn biến áp thấp nhiệt đới và các hình thế thời tiết nguy hiểm khác có thể xảy ra trong những ngày tới, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh nhằm giảm thiểu thiệt hại.
Các huyện ven biển và huyện đảo Cồn Cỏ phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở NN-PTNT, Cảng vụ Hàng hải Quảng Trị tiếp tục hướng dẫn, kiểm đếm, quản lý các tàu thuyền, phương tiện (bao gồm cả tàu du lịch) còn hoạt động trên biển, ven biển chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn. Thông tin, tuyên truyền và có biện pháp đảm bảo an toàn cho khách du lịch trên đảo Cồn Cỏ.
Rà soát, hoàn thiện kịch bản ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão, ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, tập trung bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản của Nhân dân, vận hành khoa học, an toàn hồ đập thủy điện, thủy lợi...
Đến hiện tại, các hồ chứa trên địa bàn tỉnh đang vận hành đảm bảo an toàn, trong đó tổng dung tích các hồ chứa Thủy lợi do Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình Thủy lợi Quảng Trị quản lý còn khoảng 30,43% so với dung tích thiết kế, hồ chứa Thủy lợi - Thủy điện còn khoảng 28,65% so với dung tích thiết kế.