Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây từ lúc khánh thành, khai thác tạm vào ngày 29-4 đến nay được xem là một dự án vô cùng quan trọng kết nối TP.HCM, Đông Nam Bộ với Bình Thuận, Ninh Thuận.
Thế nhưng sự cố hy hữu cao tốc bị ngập nước vào ngày 29-7 đã khiến dư luận nghi ngờ về chất lượng tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra.
Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây tạo động lực phát triển vượt bậc cho ngành du lịch Bình Thuận từ lâu vốn thiếu thốn về hạ tầng giao thông. Thực tế cho thấy những ngày cuối tuần, thậm chí là ngày thường từng đoàn xe dài dằng dặc bám đuôi nhau theo cao tốc này đổ về Mũi Né, Phan Thiết khiến địa điểm du lịch nổi tiếng này luôn quá tải.
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây thời điểm bị ngập. Ảnh BPN
Điều đó càng cho thấy hiệu quả của dự án này đối với việc kết nối cũng như phát triển kinh tế giữa TP.HCM, các tỉnh Đông Nam Bộ với các tỉnh Phan Thiết, Bình Thuận. Tuy nhiên do khai thác tạm, nhiều hạng mục trên cao tốc vẫn chưa hoàn thành. Nhiều tuyến đường địa phương bị hư hỏng do nhà thầu vận chuyển vật liệu cho dự án chưa được sửa chữa. Các tuyến đường gom dân sinh dọc hai bên cao tốc chưa thi công, nhiều hầm chui ngập nước, cầu vượt trực thông chưa hoàn thiện…
Đó là chưa kể suốt tuyến cao tốc vẫn chưa có đèn chiếu sáng hay trạm dừng nghỉ. Trong khi theo quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, trạm dừng nghỉ là một bộ phận thuộc kết cấu hạ tầng đường bộ, là công trình dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.
Theo tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc, trung bình cứ khoảng 50-60 km nên bố trí một trạm dừng nghỉ cung cấp các dịch vụ cơ bản như xăng dầu, sửa chữa nhỏ và dừng xe, có nhà nghỉ, nhà vệ sinh, cửa hàng ăn...
Những hạn chế này sẽ làm mất an toàn giao thông trên tuyến cao tốc quan trọng có lưu lượng xe khá lớn này.
Theo ông Nguyễn Quốc Nam, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Thuận, hiện nay các nhà thầu thi công rất chậm. Trên công trường chỉ bố trí rất ít công nhân và máy móc. Các nhà thầu cho rằng khối lượng công việc còn lại không nhiều nhưng rải rác ở nhiều nơi nên không thể bố trí nhiều nhân lực, vật lực tập trung. Mặt khác, do các nhà thầu thi công cầm chừng, chưa quyết liệt nên tiến độ thi công còn rất chậm.
Đáng nói là ngày 29-7, sự cố hy hữu cao tốc bị ngập nước đã khiến dư luận nghi ngờ về chất lượng tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra. Các đơn vị này ở đâu và Hội đồng kiểm tra Nhà nước về nghiệm thu xây dựng có phát hiện con đường được thiết kế như một chiếc võng? Trong khi miệng cống thoát nước quá nhỏ ngay vị trí lưu lượng nước từ thượng nguồn đổ về khá lớn.
Việc vừa thông xe vừa thi công sẽ gây không ít khó khăn, nguy hiểm cho các đơn vị thi công. Do đó dù tốc độ cho phép của cao tốc này là 80-120 km/giờ nhưng buộc những đơn vị thi công phải cắm bảng hạn chế 60 km/giờ để đảm bảo an toàn cho mạng sống của họ và cho những người đang tham gia giao thông.
Rồi đây câu chuyện ngập nước hy hữu trên cao tốc sẽ có giải pháp nhưng giải pháp nào cho việc vừa khai thác tạm, vừa thi công song phải cam kết đúng hạn và phải đặt an toàn lên trên hết?!
Nguồn Pháp luật