Nhiều báo cáo về tài sản và mức độ giàu có của các tổ chức nước ngoài gần đây đều xếp Việt Nam ở hàng đầu về tốc độ tăng trưởng số lượng triệu phú USD
Khách hàng giao dịch ngoại tệ tại ngân hàng ở TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Mới nhất, báo cáo của Công ty tư vấn Henley & Partners kết hợp với New World Wealth cho thấy các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc có số triệu phú đông nhất, nhưng Việt Nam mới giữ kỷ lục về tốc độ gia tăng triệu phú USD.
Số người giàu tăng nhanh chóng
Theo báo cáo đưa ra, số triệu phú USD của Việt Nam đạt 19.400 người tính đến cuối năm ngoái. Trong đó, số người có tài sản hơn 100 triệu USD là 58, còn số tỉ phú USD đạt 6 đại diện.
Dù còn nhiều thắc mắc về cách tính, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng với xuất phát điểm thấp nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong thời gian dài, số người giàu tại Việt Nam tăng mạnh trong những năm gần đây là điều dễ hiểu, thậm chí là còn tính thiếu vì nhiều người "giàu ngầm" với tài sản lớn nhưng không công khai.
Nhưng cũng không ít ý kiến băn khoăn vì đóng góp phần lớn vào mức độ giàu có của nhiều cá nhân thời gian qua đến từ việc tăng giá bất động sản.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về con số này, ông Trần Nhật Nam - chuyên gia tài chính, cựu lãnh đạo một ngân hàng lớn ở Hà Nội - cho biết mặc dù tốc độ tăng triệu phú USD của Việt Nam là "nhanh nhất thế giới", nhưng giá trị tuyệt đối số lượng không phải cao nếu tính trên tổng dân số. Đơn cử, Việt Nam có 100 triệu dân nhưng số lượng triệu phú chỉ 19.400, trong khi như Singapore dân số thấp hơn nhiều có tới gần 245.000 triệu phú, ông Nam nói.
Theo ông Nam, với tài sản ròng đạt hơn 20 tỉ đồng trở lên thì không phải con số "xa vời" với một nền kinh tế đang tăng trưởng như Việt Nam. Hơn nữa, do trước đây xuất phát điểm của kinh tế Việt Nam thấp, nên sau nhiều năm tích lũy thì lượng người giàu tăng lên nhanh chóng không bất ngờ.
"Tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, nghe qua "bất ngờ", "khủng khiếp" nhưng cũng cần phải thấy mức này được so với nền thấp giai đoạn trước", ông Nam bình luận.
Bà Nguyễn Thị Thùy Chi - trưởng phòng tài chính cá nhân tại Công ty CP tư vấn đầu tư và quản lý tài sản FIDT - cũng cho biết tốc độ gia tăng triệu phú USD như báo cáo mới công bố là "rất nhanh", tuy nhiên một phần do nền so sánh ban đầu khá thấp với xuất phát điểm từ một đất nước nông nghiệp tăng trưởng thấp.
Bà Chi cũng quan sát ở Việt Nam, số đông các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán thường kinh doanh trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản. Đa số khách hàng có số lượng tài sản lớn cũng thuộc nhóm các công ty trong các lĩnh vực này.
Tuy nhiên tại Việt Nam, nhiều công ty gia đình lớn nằm trong lĩnh vực sản xuất. Nhiều doanh nghiệp không niêm yết trên thị trường chứng khoán nên các thông tin tài sản cũng khó xác định, và nhiều người vẫn thuộc giàu "chìm", theo bà Chi.
Nhiều người giàu lên nhờ bất động sản?
Không rõ chi tiết cách thức New World Wealth - công ty báo cáo tài sản toàn cầu có trụ sở tại Nam Phi - lấy dữ liệu về số lượng triệu phú các nước, trong đó có Việt Nam. Nhưng khi bình luận về tốc độ gia tăng triệu phú nhanh nhất thế giới của Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng góp "công" rất lớn là bất động sản khi giá tăng như "vũ bão" nhiều năm gần đây.
Ông Phạm Đức Toản - tổng giám đốc một công ty bất động sản ở Hà Nội - cho biết giai đoạn vài năm trước, nhiều người giàu lên nhanh chóng nhờ bất động sản. Ở Việt Nam, những người giàu gần như đều gắn liền với việc sở hữu nhiều bất động sản. Từ đó, giá trị tài sản cũng tăng mạnh theo giá đất.
Ông Toản nói bất động sản có thể là một trong nhiều tham chiếu để tính toán giá trị tài sản ròng. Tuy nhiên, đây không nên là yếu tố quan trọng. "Giàu có từ kinh doanh, dịch vụ hay sản xuất, tạo ra những giá trị của cải cho xã hội sẽ bền vững hơn", ông Toản nói.
Cũng theo ông Toản, nhiều nhà đầu tư nắm giữ bất động sản sau vài năm có thể tăng từ 10 tỉ đồng lên hơn 20 tỉ đồng.
"Dù có tăng giá đến mấy, bản chất cũng chỉ là cái nhà để ở, thậm chí có bất động sản bỏ không. Chưa kể, tốc độ tăng giá khủng khiếp như vậy cũng có thể coi là ảo. Không thể ôm lấy cái bất động sản để tính ra giàu có được", ông Toản nói.
Tuy nhiên hai năm qua, ông cho rằng những người làm trong giới bất động sản như "phú quý giật lùi", nhiều doanh nghiệp rất khó khăn, "chết" trên đống tài sản cũng không ít. Là doanh nghiệp bất động sản, nhưng bản thân ông Toản cho rằng nền kinh tế muốn "giàu có" bền vững, rất cần nhiều triệu phú hơn từ những mảng công nghệ, sản xuất, công nghiệp...
Bà Nguyễn Thị Thùy Chi cũng cho rằng giàu có do bất động sản mang lại không đem lại của cải phồn vinh thịnh vượng thực chất cho xã hội. Trong khi ở Việt Nam, thời gian qua nhiều người giàu có nhờ sở hữu bất động sản và giá bất động sản tăng rất mạnh thời gian qua.
Theo khảo sát của FIDT và số lượng khách hàng quản lý gia sản tại FIDT thì phần trăm lớn tài sản đều nằm ở bất động sản. Việc tích lũy bất động sản của người dân Việt Nam cũng là một văn hóa của Việt Nam, "tấc đất tấc vàng", tâm lý sở hữu đất đều phổ biến tại các nước châu Á, nơi có văn hóa tích lũy đất để dành cho con cháu và an cư lập nghiệp.
"Bất động sản vẫn là một trụ cột của nền kinh tế, ảnh hưởng tới nhiều ngành nghề, lĩnh vực, nên khi thị trường bất động sản xấu đi ảnh hưởng đến hàng loạt chủ thể khác", bà Chi nói.
Kinh tế sau 10 năm đã thay đổi rất nhiều
Chuyên gia tài chính Trần Nhật Nam cho rằng có nhiều sự thay đổi rõ nét khi nhìn vào hành trình dài tăng trưởng kinh tế và những đổi thay về thu nhập của người dân thập niên qua.
Khoảng 10 năm trước, GDP bình quân đầu người của Việt Nam là khoảng 2.190 USD và các tổ chức quốc tế dự báo sẽ tăng lên 4.500 USD cuối năm nay, Việt Nam đang phát triển nhanh chóng.
Làm thế nào xác định tài sản người giàu?
Ông Trần Nhật Nam nói không rõ cách tính toán, thống kê của đơn vị công bố báo cáo, vì mỗi bên sẽ dựa vào những nguồn tin, cách thức tiếp cận khác nhau. Tuy nhiên, phương pháp thông thường vẫn được nhiều bên sử dụng là dựa vào lượng cổ phần tại doanh nghiệp hay cổ phiếu nắm giữ trên thị trường chứng khoán.
Song việc thống kê cổ phiếu cũng không kém phần phức tạp vì biến động giá liên tục.
Ngoài ra, tài sản ròng hay tài sản thuần được tính toán dựa trên việc lấy tổng giá trị các tài sản trừ đi các khoản nợ phải trả. Đơn cử, một người có tổng tài sản 100 tỉ đồng, nhưng nợ phải trả 75 tỉ đồng, tài sản ròng chỉ còn 25 tỉ đồng.
Từng nhiều năm làm trong ngành ngân hàng, ông Nam chia sẻ có một số tiêu chí để ước tính tài sản ròng của khách hàng, như lượng tiền gửi, số tài sản (bất động sản) được đem thế chấp, thu nhập trên sao kê. Ngoài ra có thể ước tính dựa trên quy mô doanh nghiệp, kết hợp khả năng tích lũy...
Việc tính tài sản tỉ phú, triệu phú có thể được các đơn vị nhận được sự hỗ trợ của các ngân hàng, công ty quản lý tài sản... ở các nước.
Nguồn: Tuổi trẻ