• Trang chủ
  • 2 công trình tạo đà bứt phá hạ tầng giao thông miền Tây

    2 công trình tạo đà bứt phá hạ tầng giao thông miền Tây

    0
    172

    Ngoài đáp ứng nhu cầu đi lại, vận tải hàng hóa của người dân, cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ còn góp phần tạo liên kết đồng bộ, là cơ sở để vùng ĐBSCL phát triển.

    Cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ được đưa vào sử dụng ngay trong những ngày cuối tháng 12-2023 đã giúp những nút thắt hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL từng bước được tháo gỡ, thỏa niềm mong ước của 20 triệu người dân nơi đây. Đây cũng là hai dự án cuối của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông đoạn từ TP.HCM đến TP Cần Thơ dài 120 km.

    Thỏa niềm mong ước của người dân

    Hai dự án được hoàn thành đưa vào khai thác có ý nghĩa quan trọng, rút ngắn thời gian di chuyển từ TP.HCM đi TP Cần Thơ chỉ còn hơn 2 giờ thay vì 3,5 giờ như trước kia. Việc này cũng góp phần hình thành tuyến hành lang giao thông trục dọc vùng ĐBSCL, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh vùng Tây Nam Bộ nói chung và các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, TP Cần Thơ.

    caumythuan2

    Cầu Mỹ Thuận 2 (bên trái) cách cầu Mỹ Thuận hiện hữu 350 m, quy mô sáu làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/giờ. Ảnh: CHÂU ANH

    Anh Lê Văn Nhựt (quê quận Ô Môn, TP Cần Thơ, làm việc ở TP.HCM) nói: Những năm qua, về quê mỗi dịp lễ, Tết là nỗi ám ảnh của những người dân miền Tây, ngồi xe có khi 6-7 tiếng. Tết này đường về nhà đã thông thoáng hơn, ăn Tết sẽ vui hơn nhiều.

    Chị Nguyễn Thị Kiều Chinh (ngụ TP Cần Thơ) cũng bày tỏ niềm phấn khởi khi hai dự án lớn được khánh thành. “Gần 20 năm rồi, tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ giờ sắp được nối liền mạch. Niềm mong ước của người dân vùng ĐBSCL đã thành hiện thực, thật sự rất mừng” - chị Chinh nói.

    Dự án cầu Mỹ Thuận 2 có tổng chiều dài 6,61 km, cách cầu Mỹ Thuận hiện hữu 350 m về phía thượng lưu. Trong đó, cầu chính có chiều dài khoảng 1,9 km, quy mô sáu làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/giờ.

    Dự án có tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỉ đồng. Điểm đầu tại nút giao An Thái Trung thuộc huyện Cái Bè, Tiền Giang (nối với cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận); điểm cuối tại nút giao Quốc lộ 80 thuộc TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long (nối với cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ).

    Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài 23 km, đi qua Vĩnh Long và Đồng Tháp, quy mô giai đoạn hoàn chỉnh sáu làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/giờ, phân kỳ đầu tư bốn làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/giờ, tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỉ đồng. Dự án có điểm đầu tại TP Vĩnh Long kết nối với dự án cầu Mỹ Thuận 2, điểm cuối kết nối với Quốc lộ 1 tại nút giao Chà Và, Vĩnh Long.

    Ông Trần Văn Tiến (chành xe vận chuyển hải sản tuyến Cà Mau - TP.HCM) cũng vui mừng khi tuyến cao tốc TP.HCM - Cần Thơ liền mạch, góp phần giúp doanh nghiệp giảm thời gian và chi phí vận chuyển. “Cao tốc thông suốt rồi, thời gian vận chuyển được rút ngắn, góp phần giảm rủi ro cho doanh nghiệp” - ông Tiến nói.

    Tạo đà bứt phá về kinh tế - xã hội

    Chia sẻ với PV, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh cho biết việc khánh thành, đưa vào sử dụng cầu Mỹ Thuận 2 đã giúp giảm áp lực giao thông trên Quốc lộ 1, cầu Mỹ Thuận 1; kết nối đồng bộ với cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Điều này đáp ứng nhu cầu đi lại, vận tải hàng hóa của người dân, tạo liên kết đồng bộ để phát huy hiệu quả các dự án đang được triển khai đầu tư xây dựng trong vùng, là cơ sở để vùng ĐBSCL phát triển.

    caumythuan2

    Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ

    Là địa phương được thụ hưởng từ cả hai dự án, ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, nhìn nhận hai dự án này sẽ giúp tỉnh tạo ra không gian phát triển, động lực tăng trưởng mới, đẩy mạnh thu hút mời gọi đầu tư…, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025.

    Cũng theo ông Ngời, khi các dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng hoàn thành sẽ gắn kết với hai dự án này. Từ đó, hình thành trục cao tốc dọc và ngang của vùng, tăng tính kết nối của Vĩnh Long đến các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển.

    Thời gian tới, Vĩnh Long sẽ huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, tập trung đầu tư, hoàn thiện hạ tầng giao thông, thủy lợi..., ưu tiên xây dựng trục động lực, các tuyến đường chính, các tuyến đường liên kết vùng để tăng tính kết nối với tuyến cao tốc, từng bước hình thành, phát triển hai hành lang kinh tế của tỉnh dọc theo sông Tiền và sông Hậu.

    Đánh giá thêm, chủ tịch tỉnh Vĩnh Long cho hay hai dự án đi vào khai thác đã góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông, hệ thống vận tải, logistics khu vực ĐBSCL, nối liền tuyến đường cao tốc từ TP.HCM đi TP Cần Thơ, trở thành trục huyết mạch kết nối giao thương các tỉnh, TP vùng ĐBSCL với trung tâm kinh tế TP.HCM. Từ đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất tốt hơn; thu hút đầu tư vào các vùng đã quy hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh, các khu, cụm công nghiệp... tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

    Nguồn Pháp luật

    Viết bình luận

    Chú ý: Không sử dụng các mã lệnh HTML!