Tướng Waker-Us-Zaman, Tổng tư lệnh quân đội Bangladesh đã có bài phát biểu trên truyền hình ngay sau khi xuất hiện thông tin Thủ tướng Seikh Hasina từ chức.
Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina đã từ chức vào hôm nay 5/8 và rời khỏi đất nước sau khi bạo loạn bùng phát tại quốc gia Nam Á khiến gần 300 người thiệt mạng, Reuters dẫn nhiều nguồn tin cho biết.
Phát biểu trên truyền hình, Tướng Waker-Us-Zaman, Tổng tư lệnh quân đội Bangladesh tuyên bố bà Hasina đã rời khỏi đất nước và một chính phủ lâm thời sẽ được thành lập.
"Thủ tướng Sheik Hasina đã từ chức và một chính phủ lâm thời sẽ điều hành đất nước", Tướng Waker-uz-Zaman cho biết thêm rằng, hiện tại không cần phải áp đặt lệnh giới nghiêm hay tình trạng khẩn cấp nữa, đồng thời kêu gọi người biểu tình trở về nhà.
"Đất nước đã chịu đựng rất nhiều, nền kinh tế đã bị ảnh hưởng, nhiều người đã bị thiệt mạng - đã đến lúc phải chấm dứt bạo lực. Tôi hy vọng sau bài phát biểu của tôi, tình hình sẽ được cải thiện", NDTV (Ấn Độ) dẫn bài phát biểu của Tướng Waker-uz-Zaman.
"Tôi sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm", ông Waker-uz-Zaman nhấn mạnh.
Reuters dẫn nguồn tin truyền thông cho hay bà Hasina đã cùng em gái bay đến Ấn Độ trên một chiếc trực thăng quân sự. Theo CNN News 18, bà đã hạ cánh tại Agartala, thủ phủ của bang Tripura ở phía đông bắc Ấn Độ.
Đắc cử cương vị thủ tướng lần đầu vào năm 1996, bà Hasina đã trở thành lãnh đạo có thời gian phục vụ lâu nhất của Bangladesh sau khi trở lại cầm quyền vào năm 2009.
Bangladesh đã bắt đầu lún sâu vào các cuộc biểu tình và bạo loạn từ tháng trước sau khi nhiều nhóm sinh viên yêu cầu bãi bỏ hạn ngạch gây tranh cãi về việc làm trong chính phủ. Theo hệ thống hạn ngạch này, 30% việc làm trong chính phủ sẽ được đặc cách cho gia đình của các cựu binh trong cuộc đấu tranh giành độc lập.
Bangladesh vốn được xem là một câu chuyện thành công về kinh tế, với tăng trưởng sản phẩm quốc nội (GDP) trung bình 6.5% trong thập kỷ qua, phần nào nhờ vào lĩnh vực xuất khẩu hàng may mặc giá rẻ. Thu nhập bình quân đầu người, cùng một vài chỉ số khác như tuổi thọ, học vấn của phụ nữ vượt trội hơn nước láng giềng Ấn Độ.
Tuy nhiên, hàng triệu thanh niên Bangladesh đang chật vật tìm việc làm trong bối cảnh lạm phát tăng cao. Việc tái áp dụng của hệ thống hạn ngạch - vốn đã bị bãi bỏ vào năm 2018 sau những cuộc biểu tình lớn - đã khiến nhiều sinh viên tức giận. Các vị trí trong chính phủ được coi là ổn định và có mức lương tốt.
Các sinh viên đã kêu gọi tổ chức diễu hành đến thủ đô Dhaka ngày 5/8 để phản đối lệnh giới nghiêm toàn quốc và yêu cầu bà Hasina từ chức, một ngày sau khi các vụ bạo động khắp đất nước khiến gần 100 người thiệt mạng chỉ trong ngày 4/7.
Được biết, hàng rào trên đường phố đã được dỡ bỏ và đường truyền internet đã được khôi phục khi thông tin bà Hasina ra nước ngoài bắt đầu lan truyền. Trước khi bài phát biểu của Tướng Waker-uz-Zaman được phát trên truyền hình, người biểu tình đã xông vào Ganabhaban, vốn là dinh thự chính thức của thủ tướng ở thủ đô Dhaka.
Theo nhận định của WSJ, quyết định từ chức của bà Hasina đẩy Bangladesh vào tình trạng hỗn loạn hơn sau nhiều tuần lễ bất ổn.
Nguồn: Đời sống pháp luật